Chiếc xe thể thao mới được đánh giá là động cơ mạnh như lốc xoáy với 16 xi-lanh, 1.001 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm. Bộ đĩa phanh 28 piston. Sở hữu Grand Sport có nghĩa bạn trở thành chủ nhân của một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới, bởi nó chỉ mất 2,5 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h.
Bugatti Veyron 16.4 Grand Sport trên chặng đường dài 400 km. |
Grand Sport có 27 bộ điều khiển trung tâm (ECU) và kiểm soát qua hệ thống máy tính. Bạn không thể chạy nếu thiếu chúng. 4 bộ điều khiển trung tâm đảm nhiệm việc "điều hành" động cơ, hệ dẫn động, bộ chống bó cứng phanh ABS và cân bằng điện tử. Mỗi ECU lại có chương trình khẩn cấp riêng. Khi xảy ra sự cố, tài xế không thể dừng xe giữa chừng mà toàn bộ hệ thống sẽ giảm năng năng lượng xuống mức an toàn.
Cánh gió sau đảm nhiệm việc giảm tốc theo nguyên lý như hệ thống hạ cánh của máy bay. Khi đưa xe lên 180 km/h rồi phanh, cánh gió sẽ nâng lên một góc 60 độ và với khả năng chịu trọng tải 800 kg, nó hoàn toàn có thể giúp chiếc mui trần này giảm tốc nhanh chóng. Tùy theo tốc độ, khi phanh gấp, hệ số cản gió của Veyron Grand Sport sẽ tăng từ 0,39 lên 0,68.
Động cơ Bugatti luôn được bảo vệ để có thể "sống" trong mọi tình huống. Nó không tắt ngay mà từ từ chuyển về chế độ an toàn tới mức các sự cố không còn ảnh hưởng nào. Chẳng hạn khi dầu động cơ xuống mức thấp, Veyron cũng tự đưa về chế độ cầm chừng vòng tua thấp.
Nếu không tìm được nơi đổ xăng có chỉ số octan 98, hệ thống cũng tự chuyển trạng thái vận hành về loại xăng mà tài xế tìm thấy, 91 chẳng hạn.
Xe chạy ổn định ở vận tốc 97 km/h, rồi 145 km/h, sau đó lên 193 km/h. Tiếng hoạt động của tăng áp, của động cơ, tiếng gió vút qua buồng lái và chạm vào thân xe làm từ sợi carbon, rồi cảnh vật lướt qua như một cơn mơ khi tốc độ lên đến 220 km/h mang lại cảm giác thật sự phấn khích.
Tăng tốc với chiếc mui trần này, có cảm giác như trên một chuyến bay tập. Mọi giác quan trên cơ thể được "kích hoạt" nhưng bạn không có nhiều thời gian để nghĩ về điều đó.
* Chi tiết Bugatti Veyron 16.4 Grand Sport |
Mỹ Anh (theo Autoblog)