Việc mua bán mang về cho Geely một nhãn hiệu xe hạng sang của châu Âu cùng với cả danh tiếng về độ an toàn và chất lượng. Đây là thời điểm mà Trung Quốc đang hăm hở cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách thu phục những thương hiệu ôtô nước ngoài có thể giúp họ nâng cấp công nghệ và mở rộng ra các thị trường ngoài Trung Quốc.
Theo hãng tin AP, cái giá mà Geely phải trả để lấy Volvo, trong đó có 200 triệu USD được trả bằng tiền mặt, còn thua xa so với 6,45 tỷ USD mà Ford đã chi để mua lại hãng ôtô Thụy Điển vào năm 1999. Hãng xe Mỹ đã cố thanh lý Volvo từ cuối năm 2008 để tập trung mọi tiềm lực vào việc quản lý các nhãn hiệu Ford, Lincoln và Mercury.
Chủ tịch Geely Li Shufu (trái) và Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Ford Lewis Booth bắt tay trước một chiếc Volvo S60 tại đại bản doanh của Volvo ở Torslanda (Gothenburg, Thụy Điển), ngày 28/3. Ảnh: Reuters. |
Lewis Booth, Giám đốc tài chính của Ford cho biết: "Chúng tôi nghĩ đó là một mức giá hợp lý cho một thương vụ tốt. Chúng tôi vui mừng với thỏa thuận đạt được với Geely". Ford cũng tin rằng dưới "triều đại" của Geely, Volvo có thể tiếp tục củng cố việc kinh doanh và lại thu lợi nhuận.
Trong một bản thông báo, Geely nói rằng họ đảm bảo mọi nguồn tài chính cần thiết để hoàn thành thỏa thuận, cũng như các nguồn vốn để Volvo đi vào hoạt động. Dự kiến xe hơi mang nhãn hiệu này sẽ được bán ra vào quý ba năm nay.
Vụ thỏa thuận còn bao gồm một số giao kèo về quyền sở hữu trí tuệ cũng như nghiên cứu và phát triển giữa Volvo, Geely và Ford. Hãng xe Mỹ đã cam kết trợ giúp về kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng như một số dịch vụ khác trong quá trình chuyển giao và dẫn tới chia tách một cách trôi chảy.
Trong khi đó, Geely bày tỏ ý định vẫn giữ nguyên các nhà máy hiện tại của Volvo tại Thụy Điển và Bỉ, đồng thời bắt đầu sản xuất ngay tại Trung Quốc. Nhãn hiệu Volvo vẫn tách biệt với những hoạt động khác của Geely, với đội ngũ quản lý cũ và một ban giám đốc mới.
XC60, mẫu xe bán chạy nhất của Volvo. Ảnh: Volvo. |
Li Shufu, Chủ tịch của Geely phát biểu: "Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới, sẽ trở thành thị trường nội địa thứ hai của Volvo. Nhãn hiệu này sẽ phát triển thành thương hiệu hàng đầu thế giới, nắm bắt thời cơ tại thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt".
Năm 2008, Ford đã bán các thương hiệu Jaguar và Land Rover cho hãng xe Ấn Độ Tata Motors đổi lấy 1,7 tỷ USD. Một hãng xe Mỹ khác là General Motors từng suýt bán thương hiệu Hummer cho một hãng chuyên chế tạo các sản phẩm công nghiệp nặng của Trung Quốc. Ngoài ra, Beijing Automotive Industry Holding Corp (BAIC) cũng đã đạt được thỏa thuận mua lại vài mẫu xe cũ cùng công thức sản xuất từ Saab Automobile, thương hiệu Thụy Điển của GM.
Không nhận trợ cấp từ chính phủ và nhằm tránh nguy cơ phá sản, từ tháng 12/2008, Ford đã cho nhãn hiệu Volvo ngừng hoạt động. Còn Geely từng là nhà phân phối sản phẩm tủ lạnh, nay trở thành một trong những nhà sản xuất xe hơi tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Zhang Xin, một nhà phân tích của Guotai Junan Securities nhận xét, lời cam kết của Geely về việc giữ lại các nhà máy và đội ngũ kinh doanh của Volvo tại Thụy Điển là nhằm cắt giảm chi phí.
Volvo, với chiếc xe đầu tiên ra lò từ nhà máy ở Thụy Điển vào năm 1927, đang có gần 20.000 công nhân, phần lớn làm việc tại Thụy Điển. Năm 2009 nhãn hiệu này chỉ bán được 334.808 xe và hiện có 10 mẫu xe lưu hành trên thị trường thế giới, với mẫu bán chạy nhất là crossover XC60. Mỹ, Thụy Điển và Anh là ba thị trường lớn nhất của Volvo.
Minh Thủy