Theo cuộc khảo sát trên toàn nước Mỹ của hãng tin Bloomberg, cứ 10 người lại có 4 nói "dứt khoát không mua xe Toyota". Hãng xe Nhật Bản chiếm 36% ý kiến mất thiện chí trong các cuộc phỏng vấn, tỷ lệ phủ nhận cao nhất trong cuộc khảo sát, trong khi chỉ có 49% trong việc tạo ấn tượng tốt.
Trong khi đó, Ford Motor, hãng xe Mỹ vẫn tự lực cánh sinh để tồn tại trong cuộc khủng hoảng, chiếm tới 77% trong số những phản hồi tích cực, qua mặt Honda. General Motors, 8 tháng sau khi nhận được sự trợ giúp của chính phủ Mỹ, cũng kiếm được 57% ý kiến thiện chí.
Ngày càng nhiều khách hàng phản đối Toyota. Ảnh: AP. |
Kết quả khảo sát của Bloomberg, thực hiện đối với 1.002 người Mỹ trưởng thành từ ngày 19-22/3, chỉ ra những thách thức lớn mà Toyota đang phải đối mặt khi tìm cách lấy lại lòng tin của khách hàng. Năm 2008, hãng này đã vượt qua GM và trở thành hãng xe lớn nhất thế giới.
Rebecca Lindland, một nhà phân tích của hãng dự báo và phân tích kinh tế tài chính hàng đầu thế giới IHS Global Insight nhận định: "Trong thời gian ngắn trước mắt, họ cần tập trung vào đối tượng khách hàng vừa thay đổi quan điểm về hãng. Còn về lâu dài, mọi chuyện có thể sẽ khác. Điều đó phụ thuộc vào cách họ khiến khách hàng, đối tượng dưới 40 tuổi, nghĩ gì về mình".
Cuộc khảo sát cũng cho thấy đối tượng khách hàng nhiều tuổi hơn không muốn nói tốt về Toyota: 37% người trên 65 tuổi cho ý kiến tích cực so với 51% số người dưới 35.
John Hanson, người phát ngôn của Toyota Bắc Mỹ phát biểu: "Chắc chắn chúng tôi muốn có chỉ số tích cực cao hơn, tương ứng với tỷ lệ phản đối thấp đi. Nhưng doanh số bán hàng trong tháng này vẫn rất cao".
Toyota City, thánh địa của Toyota tại Nhật Bản, đang sử dụng chiêu thức cho vay không lãi và giảm giá bán để lôi kéo khách hàng trở lại sau khi doanh số tại Mỹ giảm 12% trong hai tháng đầu năm. Những cách làm này đã giúp họ nâng doanh số lên 44% trong tháng 3.
Theo Jesse Toprak, phó giám đốc của TrueCar, trong cả tháng 3, doanh số bán hàng của Toyota tại Mỹ có thể tăng 37%.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, cổ phiếu của Toyota tăng 1,1% lên 3.755 yen (khoảng 40,5 USD). Hãng này đã mất 16,3 tỷ USD giá trị thị trường từ khi thông báo triệu hồi xe vào ngày 21/1.
Trong số 44% người phản hồi cho rằng họ nhất định không mua xe Toyota nếu có dịp tậu xe mới, có 39% đề cập tới các vụ triệu hồi vừa qua.
Ken Sorenson, 55 tuổi, công nhân chuyên tẩy rửa các chất độc hại đến từ Corry, Pennsylvania trả lời phỏng vấn: "Họ biết rõ các lỗi trên xe và phớt lờ chúng, tìm cách để chính phủ của họ cũng lờ tịt đi". Sorenson là một trong số những người thẳng thừng nói "không" với Toyota.
Phản đối Toyota, người Mỹ trở lại với hãng xe đồng hương. Ảnh: Ford. |
Ford, hãng tránh được cơn bão phá sản đã tấn công GM và Chrysler Group, bắt đầu có lại lợi nhuận từ năm 2009 và lần đầu tiên chiếm thêm thị phần tại Mỹ kể từ năm 1995. Giá trị thị trường của hãng này tăng gần 5 lần trong vòng 12 tháng qua.
Torrey White, một đại diện bán hàng 29 tuổi ở Chesapeake, Virginia, lái một chiếc Ford Expedition 2005 phát biểu: "Nhìn vào Ford, tôi nghĩ tới những sản phẩm chất lượng tốt và ổn định. Dù năm qua đầy khủng hoảng, Ford vẫn đứng vững". White cũng cho biết, nhận xét của anh về GM cũng rất tích cực, bởi anh muốn ủng hộ các công ty Mỹ.
Còn theo Jeremy Anwyl, CEO của trang Edmunds.com: "Các đề mục bài báo, những dòng tin tức đều có ảnh hưởng tới danh tiếng tốt đẹp của họ. Ford đã kiếm được không ít lợi thế từ hơn 12 tháng qua nhờ những tiêu đề ủng hộ họ cũng như những bài phản đối Toyota".
Trong khi đó, GM cũng cho biết, họ có thể lại thu lời trong năm nay.
Mỹ Anh