Đây là cuộc đình công đầu tiên xảy ra tại GM trong 37 năm qua. Hơn 73.000 công nhân đã nghỉ việc theo lời kêu gọi của Nghiệp đoàn Mỹ, sau khi GM từ chối lời đề nghị về chế độ làm việc và kế hoạch sản xuất ở Bắc Mỹ.
Kể từ khi rơi vào khủng hoảng năm 2005, GM đã nhiều lần đàm phán về các khoản tiền trợ cấp sức khỏe nhưng không đi đến thỏa thuận cuối cùng. Theo GM, chính những khoản chi khổng lồ này đã khiến hãng mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ đến từ Nhật Bản.
Công nhân đình công tại nhà máy của GM ở Pittsburgh Metal Center. Ảnh: AP. |
Micheal Robinet, nhà phân tích công nghiệp ôtô tại hãng tư vấn CSM Worldwide, tính toán cuộc đình công mà Nghiệp đoàn kêu gọi sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hoạt động sản xuất của GM tại nhiều nước.
Riêng tại Mỹ, với việc ngừng sản xuất khiến các nhà máy của GM thiệt hại khoảng 12.200 chiếc mỗi ngày. Nếu đình công kéo dài hơn 36 tiếng, các nhà máy ở Canada phải cắt giảm sản lượng 4.000 xe/ngày.
Theo Robinet, nếu sự kiện này kéo dài quá 72 tiếng, hệ thống cung cấp thiết bị cho GM bị "lĩnh chưởng" và các nhà máy ở Mexico là nạn nhân tiếp theo. Khi đó, tổng sản lượng bị mất có thể lên tới 18.000 xe mỗi ngày.
Tuy nhiên, việc đình công sẽ ít ảnh hưởng tới kế hoạch bán hàng vì thống kê cho thấy các mẫu xe chủ chốt như bán tải cỡ lớn và thể thao đa dụng SUV của GM có thời gian bán trung bình là 80 ngày.
Những mẫu crossover mới như Buick Enclave hay dòng xe hạng nhỏ Chevrolet Cobalt sẽ bị tác động đáng kể hơn do số hàng tồn kho còn rất thấp.
Các chuyên gia tính toán nếu kéo dài, đợt đình công này có thể khiến GM thiệt hại 8 tỷ USD mỗi tháng.
N.N. (theo Reuters, AFP)