Giống như người Nhật, các hãng xe Hàn Quốc mang theo vài mẫu xe hạng nhỏ giá rẻ khi đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Mỹ những năm 1990. Ngày đó, khách hàng ở đất nước toàn đi xe cỡ lớn được một dịp chê bai thậm tệ sản phẩm đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Website The People's History vẫn còn lưu một bài viết về chiếc Kia Sportage 4x4 với những căn bệnh "lạ kỳ" như đèn "Check engine" lúc nào cũng sáng, điều hòa tự dưng không làm việc, dây đai an toàn không mở được và khách hàng phải đến đại lý sửa động cơ 26 lần trong 2 năm.
Nhà sản xuất Hàn Quốc luôn biết cách lấy lòng khách hàng bằng người đẹp. Ảnh: Autohome. |
Vì chất lượng kém do hàng loạt những vấn đề nên Kia được xếp vào hạng những mẫu xe có giá trị còn lại sau sử dụng thấp nhất.
* Kia và 'sự ngây thơ chết người' |
*Kia Kue - chiến lược mới của xe Hàn |
*Kia Sorento - xe SUV tốt nhất nước Mỹ 2004 |
Thế nhưng, chính điều đó lại là thuận lợi khi nhà sản xuất xứ kim chi có thể biết rõ nhất ưu nhược điểm sản phẩm của mình, biết người Mỹ thích và không thích gì. Trên cơ sở đó, Kia cải tiến chất lượng, tập trung thiết kế và cho ra đời những sản phẩm cao cấp hơn để chinh phục người tiêu dùng.
Sau hơn 10 năm, người ta thấy những phàn nàn về chất lượng Kia thưa dần. Các sản phẩm hiện thời của nhà sản xuất này thường đạt từ 4 đến 5 sao trong đánh giá độ an toàn do Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA tiến hành. Ngoài ra, Kia còn nâng thời hạn bảo hành lên mức 100.000 km hay 10 năm (tùy theo điều kiện nào đến trước), giống hãng mẹ Hyundai và tương đương với nhiều đại gia khác.
Sau 14 năm chinh phục, đến tháng 11/2006, Kia bán chiếc xe thứ 2 triệu tại Mỹ, một con số quá nhỏ ở thị trường lớn nhất thế giới nhưng lại là thành công vượt bậc của một hãng xe thuộc loại "hạt tiêu". Trong 2005, doanh số năm của Kia tại Mỹ gấp 10 lần, từ 24.740 xe năm 1995 lên 275.851. Hàng loạt giải thưởng được trao cho những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, có độ an toàn cao và thiết thực với người tiêu dùng.
Không chỉ thành công khi chiếm được niềm tin của khách hàng, hãng xe này còn tạo nên một trào lưu "đam mê Kia", thu hút nhân tài đầu quân cho mình. Một trong số đó là nhân viên mới Len Hunt, cựu quan chức của Volkswagen Mỹ. Ông đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Kia Motors. Ngoài ra, không thể không kể tới Peter Schreyer, người được biết đến như "phù thủy" về thiết kế nội thất Audi, nay cũng theo chân Len Hunt quy tụ ở hãng xe xứ Hàn. Danh sách những cá nhân lừng danh còn có mặt Ian Beavis, phụ trách marketing, từng tạo nên thời hoàng kim cho Mitsubishi.
Rondo, mẫu xe mang tính cách mạng trong thiết kế của Kia. |
"Chúng tôi đang cố gắng thu hút người tài đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Họ tới không phải vì không có nơi nào để đi mà bởi niềm đam mê tạo nên những chiếc xe đủ để so sánh với Porsche, BMW. Và ở Kia, chúng tôi có thể làm được điều đó", Len Hunt nói.
Khi mới tới Kia, Len Hunt lên kế hoạch nâng cao doanh số, tăng lợi nhuận. Thế nhưng, ông nhận ngay được chỉ thị hoàn toàn khác, trong đó yêu cầu Hunt không tập trung vào kinh doanh mà phải xây dựng bằng được một trung tâm thiết kế nổi tiếng, thu hút những người giỏi nhất sao cho các hãng Nhật Bản phải "nhập khẩu" sản phẩm của Kia. Hiện tại, nhà sản xuất này có thể đảm nhiệm gần như tất cả các thành phần quan trọng của một chiếc xe như động cơ, hệ dẫn động, nội thất và các chi tiết thiết kế tinh xảo.
"Trên cơ sở đó, những ai mới tới Kia đều được dạy bài học đầu tiên là niềm đam mê. Tuy nhiên, chúng tôi không ảo tưởng, không hứa suông mà tất cả phải dựa trên thực tế", Len Hunt cho biết. Những sản phẩm mới nhất của Kia là chiếc Rondo trình làng tại triển lãm Chicago hay Rondo SX Concept.
Về tổng thể, khó ai có thể định nghĩa Rondo thuộc dòng xe nào. Nó được các chuyên gia gọi là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại sedan, thể thao đa dụng SUV, xe đa dụng MPV. Kia ví von Rondo là xe đa dụng dành cho cuộc sống đô thị, nơi mà người ta có xu hướng dùng một chiếc xe cho tất cả các mục đích như đi làm, mua sắm, đi pic-nic, khám phá địa hình. Có giá khoảng 19.000-23.000 USD, Rondo vẫn đi theo truyền thống giá cả phải chăng của Kia nhưng có thêm nét cá tính, xu hướng thiết kế hợp thời đại chứ không còn "lạc hậu" như trước.
Thành công của Kia nói riêng và xe Hàn Quốc nói chung trên thị trường Mỹ là bài học đắt giá cho công nghiệp ôtô Trung Quốc. Một quan chức của Chery từng nhận định xe Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua sự kỳ thị của người tiêu dùng Mỹ giống như xe Hàn Quốc đã làm trước đó. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Chery có thể thành công về doanh số nhưng lại khó tạo nên một thương hiệu được nhiều người yêu thích như Kia.
Trọng Nghiệp tổng hợp