Ngày 18/6, ông Tạch gửi đơn lên Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, Công đoàn Tổng Công ty máy động lực Việt Nam nhằm khiếu nại về quyết định tạm đình chỉ công việc của Toyota Việt Nam (TMV) và đề nghị các cơ quan chức năng yêu cầu TMV hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác 3 tháng.
Đồng thời, kỹ sư này mời công ty luật hợp danh Hồng Bách tư vấn pháp lý. "Tôi cảm thấy quyết định tạm đình chỉ công tác của TMV không công bằng nhưng do có ít kiến thức về pháp lý nên mời luật sư tư vấn", ông Tạch nói. Theo ông, ngày 20/6, TMV thông báo đã nhận được đơn khiếu nại và sẽ xem xét giải quyết.
Kỹ sư Lê Văn Tạch, người phát hiện ra các lỗi kỹ thuật của Toyota Việt Nam. |
Trao đổi với VnExpress.net ngày 22/6, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết đang chuẩn bị các tài liệu để gửi đi các cấp có thẩm quyền và TMV. "TMV đã sử dụng quyền mà luật cho phép, đó là tạm đình chỉ công tác với kỹ sư Lê Văn Tạch. Tuy nhiên, công ty cần phải có quyết định chính thức để khẳng định có hay không có sai phạm của ông Tạch. Khi có quyết định chính thức nêu trên, chúng tôi sẽ có phản ứng trên cơ sở chứng cứ rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của ông Lê Văn Tạch. Vì thế các hành động hiện tại chủ yếu là đàm phán giữa hai bên để có kết quả hợp lý nhất", ông Bách phân tích.
Luật sư này cho rằng kiện ra tòa là hành động cuối cùng trong trường hợp TMV ra quyết định chính thức và gây bất lợi cho ông Tạch. Dựa trên các tài liệu có được, ông Bách nhận định công đoàn TMV chưa thực sự khách quan và đứng về phía người lao động.
Cuối tháng 3, ông Lê Văn Tạch, người làm việc TMV trong 9 năm, đã có bản tường trình về 3 lỗi kỹ thuật trên các dòng xe Innova và Fortuner dẫn tới việc hãng này phải thông báo triệu hồi gần 66.000 xe.
Đến ngày 11/6, TMV ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Tạch để điều tra về hành vi gây ảnh hưởng tới người khác và hành vi xâm phạm danh dự, uy tín một số cá nhân trong công ty. Theo TMV, trong thư kiến nghị gửi Tổng giám đốc ngày 31/5, ông Tạch đã tố cáo sai sự thật về việc trưởng phòng Nguyễn Đình Chương không cho nghỉ ốm hai ngày trong tháng 4.
Trọng Nghiệp