Tên đầy đủ của liên doanh Vindaco là Daihatsu Vietindo. Theo thông tin của VnExpress, quyết định trên được đưa ra từ ngày 6/6 trong cuộc họp hội đồng quản trị, gồm các đối tác Việt Nam, Nhật Bản và Indonesia. Đây là thành viên đầu tiên của Hiệp hội các nhà lắp ráp sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) giải thể kể từ khi VAMA thành lập năm 2000.
Chiếc thể thao đa dụng Terios của Daihatsu. Ảnh: X.T. |
Giới chuyên gia nhận định, kết quả kinh doanh không như mong muốn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc Daihatsu ngừng lắp ráp tại Việt Nam. Các sản phẩm Daihatsu gồm chiếc thể thao đa dụng Terios và hai mẫu thương mại CitiVan, Hijet Jumbo không đủ để hãng này duy trì hoạt động. Sau hơn 4 năm có mặt, Terios bán được 625 chiếc, quá thấp so với mục tiêu 1.000 xe mỗi năm.
5 tháng đầu năm nay, tổng số xe mà liên doanh này tiêu thụ là 173 chiếc, chiếm 0,8% thị phần. Kể từ khi tham gia VAMA năm 2000, lượng xe bán ra của Vindaco ở mức 4.748 chiếc, chiếm vỏn vẹn 1,8%.
Ngoài vấn đề kinh doanh, quyết định "xóa tên" Vindaco khỏi 12 liên doanh trong VAMA còn có thể do tiếng nói của Daihatsu Nhật Bản không có nhiều tính quyết định. Theo phân tích, với 26% vốn góp, Daihatsu khó lòng định hướng được tương lai Vindaco dù nhà sản xuất Nhật Bản không hề muốn công ty con của mình rơi vào hoàn cảnh này.
Một chuyên gia vụ cơ khí luyện kim Bộ Công nghiệp cho rằng với tiềm năng thị trường Việt Nam như hiện nay thật khó coi đây là nguyên nhân để liên doanh giải thể. Có thể do các bên khi không thống nhất được chiến lược kinh doanh. Vấn đề giải quyết quyền lợi người lao động phụ thuộc vào hợp đồng liên doanh và điều lệ hoạt động của công ty.
Theo Bộ Công nghiệp hiện nhà máy có 132 lao động, số lao động tham gia hệ thống bán hàng, đại lý vào khoảng 200 người.
Với Daihatsu, sau khi giải thể liên doanh hãng có thể tìm kiếm một đối tác khác tại Việt Nam để xin giấy phép mới. Theo quy định hiện hành, sản xuất ôtô không phải lĩnh vực hạn chế nên doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các điều kiện về an toàn, vốn, môi trường... Việc cấp phép dự án mới không cần trình Thủ tướng như trước kia mà được phân cấp cho các địa phương. Trường hợp Daihatsu có hợp đồng chuyển giao công nghệ cho một công ty Việt Nam thì hai bên không cần xin phép.
Liên doanh Vindaco nhận giấy phép đầu tư vào tháng 4/1995 và bắt đầu hoạt động vào tháng 5/1996 với 5 đối tác, trong đó phía VN là Công ty Transinco góp 33% vốn bằng quyền sử dụng đất, Daihatsu Nhật Bản góp 26%. Theo giấy phép đầu tư Vindaco có vốn pháp định 30 triệu USD, vốn đầu tư 32 triệu USD. Hệ thống bán hàng, dịch vụ sau bán hàng... có vốn đầu tư 35 triệu USD.
Hai đối tác đến từ Indonesia là PT Astra International, Tbk và PT Mitra Andasantika. Thành viên còn lại là Kanematsu Corp (Nhật Bản) góp 2%.
Trọng Nghiệp - Phong Lan