Riêng tại thị trường Mỹ quý I/2007, các hãng phụ tùng Trung Quốc đạt doanh số 1,936 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn các công ty Đức 2 triệu USD. Doanh thu kỷ lục này gấp 6 lần mức của 5 năm trước.
Đây là thành quả xứng đáng cho những cố gắng của các công ty Trung Quốc. Zhao Qingjie, người điều hành hãng sản xuất bộ khởi động và máy phát điện Wonder Auto Technology, quả quyết: "Vào Mỹ là một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi".
Công nhân lắp ráp động cơ điện tại Wonder Auto Technology. Ảnh: NYT. |
Sử dụng dây chuyền sản xuất giá rẻ, tận dụng nhân công phổ thông là cách để các hãng Trung Quốc hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế đáng kể với đối thủ đến từ châu Âu, mà đặc biệt là Đức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó không thể hiện khả năng cạnh tranh tốt và lâu dài bởi lợi nhuận trên từng thiết bị của các hãng Đức cao hơn nhiều.
Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp phụ trợ ở đất nước đông dân nhất thế giới chủ yếu phụ thuộc vào giá nhân công thấp, nguyên vật liệu rẻ và công nghệ sản xuất lạc hậu làm ảnh hưởng lớn tới môi trường. Vì vậy, nếu bắt buộc phải tăng lương hay chính phủ kiểm soát chất lượng môi trường cũng như tài nguyên thì những hãng này khó lòng "sống" được trước sức ép công nghệ cao cấp của Nhật Bản và Đức.
Nước đứng đầu về xuất khẩu phụ tùng sang Mỹ là Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 3,57 tỷ USD trong quý I. Sau 4 tháng, xuất khẩu phụ tùng ôtô Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD trên toàn cầu nhưng nhập khẩu ở mức 3,5 tỷ USD.
Nguyễn Nghĩa (theo NYT, AFP)