Những đoạn đường ngập nước, những ngày mưa triền miên hay một trận mưa rào đột xuất là điều mà không ai muốn khi đi xe ôtô. Lúc đó, kính lái sẽ mờ, khả năng điều khiển xe giảm xuống do ma sát giữa bánh xe và mặt đường có thể mất hoàn toàn, động cơ có thể chết nếu nước vào cổ hút hoặc sàn xe sẽ thấm đầy nước. Ngoài ra, còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.
Kéo taxi chết máy do ngập nước. |
Để đối phó với những "tai nạn" không đáng có, hãy chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm căn bản. Đầu tiên bạn phải kiểm tra lại hoạt động của cần gạt nước. Nếu chúng hoạt động không hiệu quả như vận hành chậm hay nước vẫn còn thấm trên bề mặt, cần thay lưỡi cao su hoặc xem lại mô-tơ. Ngoài ra, kính chắn gió lâu ngày tích bụi cũng có thể bị mờ. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể mua nước rửa kính chắn gió với giá khoảng 50.000 đồng/lọ.
Mùa mưa cũng là lúc vi khuẩn phát triển mạnh nhất do độ ẩm và nhiệt độ môi trường cao. Để tránh ẩm mốc, mùi hôi sinh ra trong ca-bin, bạn nên thường xuyên dọn, làm sạch ghế, sàn xe và các góc kín.
Nguy cơ ngập nước
*Lái xe trời mưa và những hiểm họa |
Vấn đề mà các lái xe "sợ" nhất là vượt qua những con đường ngập nước. Không ít chủ xe phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh của mình. Anh Nguyễn Văn Dũng, phụ trách đội xe cứu hộ của Trung tâm cứu hộ Văn Tân Hà Nội, cho biết mùa mưa trước, mỗi khi có trận lớn, trung tâm này kéo khoảng 5-6 xe/ngày. "Với đội ngũ hơn 10 xe, có ngày mưa to chúng tôi kéo tới vài chục chiếc bị ngập không đi được", anh Bùi Xuân Duyên công tác tại công ty Giao thông miền Bắc 116 nói.
Sơ đồ hoạt động của động cơ khi nước lọt vào. |
Phần lớn xe gọi cứu hộ khi gặp mưa là bị hỏng động cơ. Khi cố gắng đi qua chỗ ngập, các lái xe không để ý tới hốc hút gió nằm ngay trên lưới tản nhiệt. Nếu nước chui được vào đó, đầu tiên nó sẽ làm xe chết máy. Sau đó, nếu tài xế cố gắng đề nổ sẽ rất dễ dẫn tới "thảm cảnh" là hỏng động cơ mà đặc biệt là hỏng tay biên.
"Đây là hiện tượng thủy kích. Khi máy vận hành bình thường, các piston lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng cong các tay biên và piston, khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ phá hủy máy", anh Duyên giải thích.
Loại xe thường bị hiện tượng này nhất là dòng 5 chỗ do ống hút khí nạp nằm thấp. Chi phí để khắc phục không rẻ, khoảng 40-50 triệu đồng cho việc thay tay biên. Tồi tệ hơn là bạn có thể phải thay cả động cơ.
Tay biên bị cong nếu động cơ "dính" nước. |
Vấn đề mà xe ngập nước gặp phải nữa là hệ thống điện. Dù không xảy ra ngay nhưng nếu để lâu trong nước khoảng 1-2 tiếng, nước sẽ làm chập và gây hỏng các thiết bị. Nếu bị nước thấm vào sàn xe, bạn cần phải tới các garage ngay để tháo ghế vệ sinh và làm sạch sàn, tránh gây tổn thất cho hệ thống điện điều khiến ghế cũng như ngăn chặn ẩm mốc.
Cách phòng tránh và các dịch vụ cứu hộ
Lời khuyên an toàn nhất là không bao giờ đi qua chỗ nước ngập vì bạn khó biết nó sâu như thế nào. "Nếu bắt buộc phải đi qua, nên tắt công tắc A/C (điều hòa), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao", anh Duyên tư vấn.
Nếu tình huống tồi nhất xảy ra là chết máy, bạn không nên cố gắng khởi động bằng cách đề hoặc nhờ người đẩy bởi điều này sẽ khiến hỏng hóc ngày càng nặng hơn. Giải pháp an toàn nhất là gọi cứu hộ giao thông.
Hiện nay, tại TP HCM và Hà Nội có rất nhiều Trung tâm cứu hộ giao thông. Mức giá trung bình ở mức 200.000-500.000 đồng trong nội thành và nếu ở ngoại thành, chi phí sẽ tính theo km. Đặc biệt các công ty bảo hiểm hiện nay còn có loại hình cứu hộ miễn phí cho khách hàng mua bảo hiểm của mình. Dịch vụ này triển khai khắp cả nước nhờ các công ty bảo hiểm liên kết với các đại lý bán ôtô.
Nguyễn Nghĩa
Ảnh: Giaothongmienbac.com.vn