Những tai nạn nổ khí gas của xe buýt đã đặt nhiều câu hỏi về độ an toàn của phương tiện này, dù lợi ích có thể thấy rõ như khí thải sạch hơn, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch. Vụ nổ bình chứa xảy ra hồi tháng 8/2010 làm 17 người bị thương ở thủ đô Seoul khiến Hàn Quốc phải điều tra thiết kế bình chứa cho toàn bộ số xe chạy gas. Ở Seoul có khoảng 95% xe bus sử dụng nhiên liệu gas nén tự nhiên (CNG).
Ngày 18/10, tài xế của hơn 700 chiếc xe buýt chạy gas ở Sydney đã đình công khi có bằng chứng cho thấy lửa làm phát nổ trên một xe. Thành phố này có khoảng 2.000 xe buýt các loại.
Năm 2005, hai nhà nghiên cứu Samuel Chamberlain và Mohammad Modarres tại Trung tâm nghiên cứu nguy cơ công nghệ, đại học Maryland (Mỹ) đã có báo cáo về xác suất cháy nổ cho những chiếc buýt sử dụng CNG. Khi đó chỉ khoảng 8.500 chiếc buýt chạy gas trong tổng số 450.000 buýt trên toàn nước Mỹ (số còn lại là xe diesel). Do số lượng xe nhỏ nên hai tác giả sử dụng các số liệu tai nạn thực tế cộng với mô hình xác suất.
21 xe buýt "sạch" chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG trên tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn. Xe nhập mới từ Hàn Quốc với giá 100.000 USD. |
Với cách mô phỏng các tình huống, Samuel Chamberlain và Mohammad Modarres cho kết quả là nếu 8.500 xe buýt CNG ở Mỹ chạy đều đều thì trong hơn 5 năm mới gây thiệt mạng một người do cháy nổ. Ở đây tính đến tất cả các nguyên nhân, từ nguồn cháy khác (không phải do khí gas) tới lỗi của tài xế.
Nếu số lượng xe vào khoảng 300 chiếc (bằng số "xe buýt xanh" dự kiến ở TP HCM) trong 153 năm mới có nguy cơ làm thiệt mạng một người liên quan đến nguyên nhân cháy nổ. Dĩ nhiên, các số liệu dựa trên cơ sở tiêu chuẩn an toàn của Mỹ vốn cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Xác suất thấp nhưng buýt CNG vẫn dễ gặp sự cố cháy nổ hơn buýt sử dụng diesel khoảng 2,5 lần. Trung bình đi 696 triệu km thì buýt CNG làm chết một người do cháy (kể cả hành khách và người đi đường). Trong khi của xe chạy dầu là 1,76 tỷ km. Quãng đường ở đây được hiểu là tổng số km của toàn bộ số xe bus đang hoạt động. Chẳng hạn 448.000 xe buýt ở Mỹ năm 2001 đi 6,9 tỷ km.
Nghiên cứu đề cập đến các nguyên nhân cháy nổ như thiết bị của trạm cấp và của xe bị lỗi. Khí gas rò rỉ. Tai nạn từ các xe khác. Cháy nhưng không do nguồn khí gas hay lỗi của người vận hành (gồm cả tài xế). Trong đó, nguyên nhân do thiết bị hỏng chiếm xác suất cao nhất (38%). Tiếp đến là do va chạm với các xe khác (21%). Rò rỉ chiếm khoảng 12%.
Ở Mỹ các cơ quan chức năng yêu cầu các xe cứ 3 năm một lần phải đến kiểm tra toàn bộ hệ thống dự trữ và cấp liệu để giảm đến mức thấp nhất.
Xe buýt chạy gas đang là xu hướng ở nhiều nước trên thế giới, như giải pháp trung chuyển giữa nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện. Xe điện hiện vẫn còn quá đắt trong khi xe gas có giá phải chăng hơn và không cần phải cải tiến quá nhiều.
Số lượng xe sử dụng CNG trên thế giới vào khoảng 12,6 triệu chiếc. Phổ biến nhất là Pakistan, Iran, Brazil, Argentina, Ấn Độ...Ở Đông Nam Á, phương tiện chủ yếu là taxi và xe buýt. Chẳng hạn Malaysia đã thông qua luật năm 2005 yêu cầu tất cả xe buýt, xe tải và taxi phải chuyển sang CNG.
Còn ở châu Âu, Italy đã sử dụng loại nhiên liệu này từ 1930 cho đến hiện tại. Nhiều hãng xe châu Âu, gồm Fiat, Volkswagen, Opel, Citroen, Renault đã bán các loại xe có thể chạy cả hai loại CNG và xăng thông thường. Đức dự kiến đưa lượng xe sử dụng CNG lên 2 triệu chiếc vào 2020 với mức giá chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với xe xăng.
* Video vụ nổ xe buýt chạy gas tại Hàn Quốc |
Trọng Nghiệp