Nay thì ông Toyota Việt Nam chính thức đã đề xuất điều kiện để ở lại với công nghiệp ôtô Việt Nam, chính phủ phải ưu đãi rất nhiều thứ: giảm thuế nhập khẩu cho các linh kiện lắp ráp từ Nhật Bản từ mức 15-20% theo cam kết WTO xuống 0%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ôtô và hỗ trợ xe lắp ráp CKD tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất xe trong nước và xe nhập khẩu. Tính ra có đến cả hàng tỷ đô la... Đấy là chưa kể Việt Nam nếu ưu đãi cho doanh nghiệp Nhật Bản, thì theo cam kết WTO cũng phải ưu đãi cho doanh nghiệp các nước khác.
Thật khó nghĩ quá: đã một phần tư thế kỷ phát triển công nghiệp ôtô mà cái ôtô do Việt Nam làm ra vẫn chẳng thấy đâu, giá ôtô người dân phải mua vẫn đắt vào loại nhất thế giới, trong khi đã có biết bao nhiêu là chiến lược phát triển công nghiệp ôtô đã được đề ra, rồi cả chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ nữa. Liệu sẽ còn có nước non gì nếu cứ đeo bám mấy ông doanh nghiệp nước ngoài này, hay vẫn cứ tiếp tục bao cấp và bảo hộ cho mấy ông doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này?
Vậy công nghiệp ôtô có phải là một thứ kê cân cho các nhà quản lý chính sách ôtô Việt Nam hay không?
Đáng ra thì không, nếu các nhà quản lý có một chính sách phát triển phù hợp dựa vào nguyên lý thị trường: muốn phát triển sản xuất công nghiệp một sản phẩm nào đó, như ôtô chẳng hạn, cần đảm bảo phải có thị trường đủ lớn và có doanh nghiệp tư nhân đảm nhận việc thực hiện nhiệm vụ đó. Còn những thứ khác, như bảo hộ, hay ưu đãi, hay phát triển những sản phẩm phụ trợ gì gì đó chỉ là những điều kiện tiếp theo mà thôi. Thái Lan là một nước đã phát triển thành công công nghiệp ôtô, trở thành trung tâm chế tạo ôtô ở Đông Nam Á nhờ làm như thế hàng chục năm vê trước. Indonesia cũng làm như thế mới được có 5 năm mà triển vọng sắp tới là người ta sẽ nhập ôtô sản xuất ở nước này về Việt Nam.
Nhưng trên thực tế thi đúng thế. Vì các nhà quản lý chúng ta suốt ngày loay hoay với các chính sách bảo hộ, ưu đãi cùng các loại chiến lược với đủ các phương án sản xuất cái gì. Tệ hơn, các chính sách đó, do các bộ khác nhau soạn thảo, lại luôn mâu thuẫn với nhau: có bộ muốn giảm số lượng ôtô lưu hành vì muốn giảm tai nạn giao thông và tắc đường, có bộ muốn giảm thuế ôtô để giảm giá nhằm mở rộng thị trường, nhưng có bộ lại muốn tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước, để tăng thu cho ngân sách hoặc có thể chỉ là để đừng gây ra bất bình đẳng xã hội vì sự quá phô trương của một số người đi xe siêu sang nhập khẩu trong khi thu nhập lại không mấy tường minh… Thành ra công nghiệp ôtô được ưu đãi nhiều mà chẳng mang lại lợi bao nhiêu, bỏ đi thì có lẽ sẽ nhẹ gánh cho đất nước.
Còn trên lý thuyết thì, tiếc thay, cũng đúng thế vì với tất cả các tính toán đều cho thấy tiếp tục duy trì công nghiệp ôtô với đủ loại bảo hộ và ưu đãi như hiện nay sẽ không ai có lợi gì và tệ nhất là sẽ chẳng bao giờ Việt Nam có được công nghiệp ôtô theo đúng nghĩa cả. Nhưng cũng trên lý thuyết thì nếu không có công nghiệp ôtô, thì không biết cái gì sẽ là biểu hiện cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Việt Nam sau một phần tư thế kỷ đây?
Thật là một bài toán nan giải. Có lẽ ở đây cao thủ nhất chỉ là các tập đoàn lắp ráp ôtô nước ngoài: họ được ăn, được nói và được gói mang về thì đã hẳn, nhưng hình như họ còn dự báo được chúng ta sẽ làm gì với nghịch lý kê cân này!
Ngày xưa, khi Tào Tháo gặp nghịch lý kê cân, ngay lập tức Tháo xử trảm kẻ cận thần đã dám nói ra cái sự nan giải của mình, với lý do tiết lậu quân cơ. Để rồi mấy hôm sau cho rút quân về, chấm dứt việc đeo đuổi miếng gân gà khó nuốt. Một hành xử rất bất công với người cận thần, nhưng có lợi nhiều cho người dân nhờ chấm dứt chinh chiến.
Nay Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó để bù khoản giảm thu ngân sách và bảo hộ sản xuất trong nước, Bộ dự kiến sẽ tăng giá tiêu thụ đặc biệt cho ôtô nhập khẩu bằng việc đánh thêm thuế ở khâu bán hàng trong nội địa. Cho nó công bằng với việc lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước, Bộ tính thế. Có điều, do vậy, ôtô Việt Nam có thể sẽ đắt thêm cả trăm triệu vì lắp ráp xe trong nước cũng chịu tác động nhất định của chính sách mới này.
Vậy là chúng ta vẫn tiếp tục thưởng thức món công nghiệp tô Việt Nam, cái đến giờ này có thể nói không mang lại lợi ich gì cho người tiêu dùng Việt, cũng không mang lại lợi ích gì cho công nghiệp phụ trợ nước nhà, mà cũng không biết có lợi gi cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô nước ngoài không. Tất cả chỉ vì một sự nuối tiếc mơ hồ nào đó và những lợi ích nhỏ nhoi nào đó!
Phạm Bích San / xedoisong