Euro Auto, nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam, là đơn vị đầu tiên công bố chính sách giá mới. Để trấn an khách hàng, Euro Auto tuyên bố giữ nguyên giá cho cho tất khách hàng đã đặt cọc và hoàn tất các thủ tục mua xe trước khi mức thuế mới có hiệu lực, và nhận xe trong vòng 15 ngày sau đó.
Trong trường hợp khách hàng ký hợp đồng vào thời điểm thuế mới có hiệu lực, nhà phân phối này dự kiến tăng giá từ 10% lên 15%.
Ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc BMW, cho biết thuế tăng là sức ép lớn thứ ba đối với hoạt động kinh doanh của Euro Auto. Cùng với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và vay ngân hàng khó khăn, sức ép về tỷ giá đồng euro liên tục leo thang cũng đang khiến nhà phân phối này đau đầu.
Thuế tăng trở lại mức 70% khiến những chiếc Porsche Cayenne 2008 này khó về Việt Nam hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không nằm ngoài xu thế, nhà phân phối Hyundai Việt Nam (HMV)cũng đã xây dựng phương án giá cho tất cả các mẫu xe nhập khẩu chịu tác động của thuế mới. Từ chối công bố bảng giá cụ thể do chưa rõ thời điểm thuế có hiệu lực nhưng ông Hà Minh Tuấn, Tổng Giám đốc HMV, cho biết mức tăng sẽ từ 4% đến 6%.
*Tăng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc |
*Xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam |
Theo tính toán, nếu thuế nhập khẩu tăng từ 60% lên 70% thì giá sẽ tăng khoảng 6%. "Tuy nhiên, có những mẫu xe giá cao nên chúng tôi tăng thấp hơn mức đó để hỗ trợ khách hàng", ông Tuấn nói.
Thông tin về thuế mới đã ngay lập tức tác động đến quyết định mua xe của người tiêu dùng. Một số khách của Hyundai Việt Nam đã bỏ đặt cọc để quay sang mua xe liên doanh như Chevrolet Captiva. Với khoảng 6% tăng thêm, mỗi chiếc Santa Fe tăng trên 2.000 USD, một khoản tiền không nhỏ.
Dự báo trước về tình hình doanh số sẽ giảm những hầu hết các nhà nhập khẩu cho biết không quá đột biến. Nguyên nhân là lượng xe trong nước cũng đang khan hiếm. Nếu không mua xe nhập thì khách phải chấp nhận đợi vài tháng mới có xe liên doanh. Đó là chưa kể tới việc phải mất thêm khoảng 1.000-2.000 USD nếu muốn lấy sớm.
Các "đầu nậu" xe hơi cũng đang khốn khổ với quyết định tăng thuế. Giám đốc Công ty TNHH Tradoco Phạm Hữu Tâm than thở từ đầu tháng đến nay, lượng khách hàng mua xe giảm sút do chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán và nhà đất. Thuế tăng như một đòn gián tiếp vào thị trường xe nhập khẩu đang bước vào mùa giảm nhiệt.
Từ đầu tháng 3, Tradoco mới bán được khoảng 20 chiếc, giảm một nửa so với cùng thời điểm 2007 và giảm hơn 100 xe so với tháng 1. Doanh nghiệp này có lô hàng khoảng 60 xe hạng sang đang trên đường về cảng. Theo nhẩm tính của ông Tâm, nhanh nhất thì khoảng 20 ngày nữa lô hàng này mới về đến VN. Nếu bị áp thuế mới, giá sau thuế mỗi chiếc xe này bị đội lên ít nhất 6%.
Một doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi ở Hải Phòng thì cho rằng Bộ Tài chính bất ngờ tăng thuế khiến cho các doanh nghiệp rơi vào thế "trở tay không kịp". Hiện doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với khoảng 10 khách hàng và theo dự kiến 30 ngày nữa xe mới cập cảng. "Chúng tôi đang tính toán mức giá hợp lý nhất để thương lượng với khách hàng cùng nhau chia sẻ", ông này nói.
Theo ông, buôn bán xe trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay phần lớn doanh nghiệp dựa vào các mối quen biết. Do vậy không thể đột ngột tăng giá bán theo kiểu "nước lên thì thuyền lên" mà cần thăm dò thái độ khách hàng để tính toán mức hợp lý nhất.
Quyết định tăng thuế không chỉ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi bất ngờ. Các liên doanh trong nước cũng bị động hoàn toàn. Những lần trước, mỗi khi Bộ Tài chính điều chỉnh thuế đều tham khảo Hiệp hội Sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trước khi quyết định. Thế nhưng hơn một năm nay, các liên doanh trong VAMA cũng đứng ngoài cuộc.
Điều đáng nói là trong đợt tăng thuế này, các liên doanh thậm chí không hề mừng mà còn cảm thấy lo. Bởi lẽ theo lộ trình năm 2009, 11 liên doanh trong VAMA sẽ được phép nhập khẩu xe nguyên chiếc về thị trường. Dù từ nay đến 2009 còn khá xa song chẳng ai dám chắc động thái tiếp theo của Bộ Tài chính sẽ là giảm thuế, tăng thêm hay giữ ổn định thuế suất hiện hành. Ngay cả khi thuế được giữ ổn định 70% thì kế hoạch đưa xe về thị trường của các liên doanh cũng gặp khó khăn.
Có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đã "thua" khi tuyên bố dùng thuế để ép các liên doanh giảm giá trong 2007. Vì vậy, việc tăng thuế trở lại mức 70% nhằm mục đích dồn các doanh nghiệp, gồm các nhà nhập khẩu và liên doanh, ngồi lên cùng một con thuyền. Khi ấy cả hai mục tiêu gây ảnh hưởng với liên doanh và hạn chế xe nhập để tránh ách tắc giao thông đều có thể đạt được.
Hồng Anh - Trọng Nghiệp