Từ nhiều tháng nay, người khổng lồ GM đã phản đối giải pháp phá sản được đề xuất bởi Chính phủ và Quốc hội Mỹ. "Ông lớn" này cho rằng điều đó sẽ khiến không ai còn muốn mua xe của họ nữa.
GM thực hiện nhiều cuộc thăm dò ý kiến làm bằng chứng cho ý kiến trên. Tuy nhiên, cuộc điều tra thị trường mới đây của IBD đã cho thấy phản hồi của người tiêu dùng không giống những gì GM tuyên bố. Trên thực tế, người dân đã coi GM như một hãng phá sản, thể hiện qua doanh số giảm mạnh trong các tháng gần đây.
Một nhân viên rửa chiếc Chevrolet tại một đại lý GM ở Canada ngày 5/3. Khó khăn của hãng xe lớn nhất nước Mỹ giờ lan sang cả người láng giềng Canada. Ảnh: AP. |
Lượng xe tiêu thụ tại Mỹ nhất loạt sụt giảm trong tháng 2 nhưng một lần nữa GM lại là người dẫn đầu với mức giảm 53% so với cùng kỳ 2008. Karl Brauer, Tổng biên tập website chuyên về ôtô Edmunds.com phân tích số liệu mà họ thu thập được cho thấy ngày càng ít người muốn mua xe của GM. Các chuyên gia phố Wall cũng nhận định khả năng phá sản là không tránh khỏi. Tính đến 6/3, giá cổ phiếu đã mất 22% và ở mức thấp nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933.
Nếu như GM đã đạt đến ngưỡng doanh số giới hạn, thì giải pháp phá sản không làm tệ hơn tình trạng của hãng, thậm chí đây là con đường sống nhờ cơ hội tái cơ cấu nợ và lao động.
Về phía mình, các lãnh đạo tập đoàn ra sức dập tắt tin đồn xuất hiện từ 6/3 về việc họ sẽ cân nhắc khả năng phá sản. Hãng khẳng định: “Tái cơ cấu không thông qua phá sản vẫn là giải pháp tốt nhất”. Trong báo cáo mới đây, GM tuyên bố có một kịch bản được cân nhắc thận trọng nhưng tin rằng một sự tái cơ cấu sau phá sản sẽ gây ra chi phí và rủi ro rất lớn.
Giám đốc điều hành Rick Wagoner cho rằng phá sản bắt buộc là không thể vì “nó sẽ nhanh chóng khiến khách hàng quay lưng lại với tập đoàn”, mối quan tâm đối với dịch vụ, chất lượng và chế độ bảo hành sẽ khiến người tiêu dùng nhìn sang hướng khác.
Phản ứng lại lý do đưa ra của GM, nhiều chuyên gia sau khi nghiên cứu số liệu của IBD và Gallup, tổ chức nghiên cứu công chúng uy tín nhất tại Mỹ, cho rằng việc phá sản sẽ không ảnh hưởng tới lựa chọn của người tiêu dùng, tình hình kinh tế và nguy cơ mất việc mới là nguyên nhân chính.
Với giải pháp này, mặc dù GM sẽ hỗn loạn trong khoảng 2 tháng hoặc hơn, nhưng bù lại là sự ủng hộ từ phía chính phủ, các chủ nợ, nghiệp đoàn công nhân… Chi phí tái cơ cấu sau đó cũng nhỏ hơn vì các khoản nợ sẽ tiếp tục được đưa vào kinh doanh, cùng với đó là giảm thiểu rủi ro cho các chủ nợ.
Chính phủ Mỹ được trông chờ sẽ tìm ra cách giảm thiểu vết nhơ phá sản cho GM bằng một kế hoạch đóng gói trước. Tức là nhà sản xuất này và các chủ nợ sẽ ngồi lại thảo luận đầy đủ về quá trình tái cơ cấu trước khi đi đến tuyên bố phá sản.
Quang Cường tổng hợp