Hamburg, một trong những cảng sầm uất nhất thế giới đang phải chứng kiến cảnh những chiếc ôtô, cả cũ cả mới lên đường đi ra nước ngoài. Vài ngày trước, cảnh sát tuần cảng đưa ra những bằng chứng cho thấy chương trình đổi xe cũ lấy xe mới của chính phủ Đức mang lại lợi ích không mong muốn: các nhóm tội phạm có tổ chức và cá nhân đang xuất khẩu xe cũ sang các nước thuộc Thế giới thứ ba thay vì đưa vào bãi xử lý.
Xe cũ trong một bãi xử lý ở Đức. Ảnh: Time. |
Chương trình đổi xe của chính phủ Đức, bắt đầu từ tháng 2 năm nay, trợ cấp cho những ai có ý định từ bỏ chiếc xe có tuổi ít nhất 9 năm của mình một khoản tiền 3.600 USD để mua xe mới. Chính phủ dành riêng 7 tỷ USD cho kế hoạch này vì theo ước tính có tới 3,5 triệu xe tại Đức trên 10 năm tuổi.
Kế hoạch này cũng giúp những người kinh doanh ôtô phế thải. Họ sẽ được nhận những chiếc xe cũ miễn phí và kiếm lời khi bán lại sắt vụn cho các công ty thép. Tuy nhiên một số đại lý nhận thấy lợi ích lớn hơn nếu bán những chiếc xe cũ đó ra nước ngoài.
"Vấn đề là không có sự giám sát nào để đảm bảo các đại lý thực sự tiêu hủy những chiếc xe", trưởng bộ phận tội phạm môi trường cảnh sát Hamburg, ông Frank Wolff, cho biết. "Các công ty đó đáng lẽ phải tiêu hủy xe, nhưng thay vào đó lại bán chúng sang châu Phi".
Trong vòng vài tuần, cảnh sát Hamburg đã thu hồi 43 xe cần tiêu hủy nhưng lại được xuất khẩu sang châu Phi và Đông Âu. Số lượng bắt giữ khá nhỏ, nhưng theo các chuyên gia về chấp pháp thì đã có tới 50 nghìn xe bị xuất bất hợp pháp.
Phiền phức cho cảnh sát ở chỗ các nhà lập pháp đã ra sức quyên tiền để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô nhưng lại bỏ bẵng đi những công cụ cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kể trên. Các công ty buôn ôtô phế thải có trách nhiệm tiêu hủy xe, nhưng nếu họ không làm thì cũng chỉ bị coi là vị phạm nhỏ, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Con số 50 nghìn xe cũng gây nhiều tranh cãi giữa các quan chức nhưng không có số liệu thống kê nào chứng minh hay phản bác được dự đoán trên. Những chiếc xe bị bắt giữ đã dấy lên cơn chấn động trong chính giới, nhất là vào thời điểm nhạy cảm khi gần đến cuộc bầu cử liên bang. Bộ trưởng tài chính Peer Steinbrueck yêu cầu một cuộc điều tra hiện tượng lạm dụng này trong khi đảng đối lập Dân chủ tự do kêu gọi thiết lập lực lượng đặc biệt để trừng trị thẳng tay những kẻ gian lận.
Tuy nhiên, có vẻ là quá muộn để thay đổi. Tình trạng lạm dụng đã có thể được ngăn chặn nếu các nhà lập pháp xây dựng một hệ thống quản lý từng chiếc xe từ khi chúng rời tay chủ đến nơi tiêu hủy. Và cảnh sát sẽ có cơ sở để bắt giữ những đại lý tìm cách xuất xe nếu hành động này được xếp vào danh sánh tội phạm.
Quay trở lại với kế hoạch đổi xe của Đức và Mỹ. Ngành công nghiệp ôtô của hai nước đang hưởng lợi từ hành động của chính phủ ngay trong ngắn hạn. Nhưng sau khi chương trình này kết thúc thì các hãng sẽ tìm kiếm khách hàng như thế nào còn là câu hỏi khó.
Nhiều chuyên gia cũng không mấy lạc quan với triển vọng lâu dài của chương trình. Ông Tim Urquhart, chuyên gia phân tích của HIS Global Insight, nhận định: "Các kế hoạch của chính phủ chỉ có thể trì hoãn được tình trạng suy giảm tới năm 2011 hoặc 2012".
Quang Cương (theo Time)