Dù không còn ngành công nghiệp ôtô chính thống nhưng nước Anh thỉnh thoảng vẫn có những chiếc xe gây chấn động thế giới. Bristol, hãng xe duy nhất còn thuộc sở hữu của người Anh đã cho mọi người thấy rằng không phải chỉ Bugatti mới biết chế tạo siêu xe dân dụng có công suất trên 1.000 mã lực.
Bristol Fighter T, đối thủ đáng gờm của Bugatti Veyron. Ảnh: Topgear. |
Fighter T được phát triển từ siêu xe nguyên bản Fighter mà Bristol cho ra đời từ năm 2004 với số lượng hạn chế. Động cơ trên Fighter chỉ có 525 mã lực, dung tích 8 lít, V10. Sau khi qua tay các nghệ nhân, công suất của nó tăng lên gần gấp đôi còn vận tốc tối đa có thể đạt được lên tới 434,5 km/h, nhanh hơn 96 km/h so với bản tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để tránh hành động bốc đồng của những kẻ ghiền tốc độ, Fighter T bị giới hạn ở 362 km/h,
*Siêu tốc độ Bugatti Veyron tới Los Angeles |
*Bugatti Veyron - tăng và giảm tốc nhanh nhất thế giới |
Không chỉ công suất cao hơn, Fighter T còn sở hữu động cơ có mô-men xoắn tối đa 1.404 Nm, cao hơn mức 1.250 Nm của Bugatti Veyron. Hệ số cản gió của Fighter T cũng nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,27, so với giá trị 0,28 của bản Fighter tiêu chuẩn và 0,39 trên Veyron. Để tăng độ bốc, các kỹ sư còn phải bớt đi nhiều trang thiết bị nội thất, tăng chiều dài thêm 10 mm và 30% độ cứng của hệ thống treo nhằm thích nghi với sức mạnh động cơ 1.012 mã lực.
Nếu tính trên những thông số kỹ thuật như vậy, chắc chắn Fighter T sẽ đắt hơn Veyron. Nhưng trên thực tế, giá của nó chỉ bằng rẻ bằng số lẻ Veyron. Những người muốn sở hữu Veyron phải móc túi ít nhất khoản tiền 1,5 triệu USD cao hơn gần 3 lần so với số tiền mà họ bỏ ra để tậu Fighter T (khoảng 530.000 USD).
Bristol phân trần rằng sở dĩ Fighter T ra đời vì lượng khách yêu cầu quá cao chứ hoàn toàn không phải do "ghen" với Veyron. Rất nhiều người muốn một chiếc xe mạnh mẽ hơn Fighter nên không có cách nào khác, nhà sản xuất này đành phải trình làng Fighter T. Theo Bristol, vào tháng 9/2007, khách hàng đầu tiên sẽ nhận Fighter T nhưng sản lượng chỉ khoảng 20 chiếc mỗi năm.
Bristol là hãng cung cấp những chiếc ôtô lắp ráp bằng tay của xứ sở sương mù. Thành lập năm 1914, Bristol ban đầu sản xuất máy bay và sản xuất bom khi thế chiến thứ 2 nổ ra. Hãng này bắt tay sản xuất ôtô từ sau thế chiến 2 và trở thành một bộ phận của cơ quan hàng không vũ trụ Anh từ 1960.
Khách hàng của Bristol có cả những người nổi tiếng và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter được đồn thổi là cũng có một chiếc. Điều đặc biệt là Bristol không có nhà phân phối, không có đại lý. Khách hàng phải làm việc trực tiếp với hãng và công suất tối đa hằng năm chỉ đạt 150 chiếc.
Trọng Nghiệp