Bản thông báo về dịch vụ kỹ thuật tới tay các đại lý Toyota ở Mỹ vào cuối tháng 8/2002, sau khi một số khách hàng tường trình về những chiếc xe tăng tốc ngoài ý muốn.
Thông báo cho biết: "Vài mẫu Camry đời 2002 có thể xuất hiện hiện tượng hoạt động không ổn định khi bướm ga đóng lại ở tốc độ khoảng 60-70 km/h. Bộ xử lý trung tâm ECM (Engine Control Module) cần được sửa để điều chỉnh hiện tượng này". Bướm ga (throttle - van tiết lưu) là bộ phận điều chỉnh lượng xăng nạp vào động cơ.
Trở lại thực tế, hiện hãng xe số một thế giới vẫn đang ngập chìm trong vụ triệu hồi (recall) kỷ lục. Trong số đó, vào tháng 1, có 2,3 triệu chiếc được gọi về để sửa lỗi dính chân ga. Các cuộc kiểm tra không tìm thấy vấn đề với bộ phận kiểm soát bướm ga điện tử.
Bản thông báo về lỗi bướm ga Toyota Camry 2002 thêm bằng chứng để chống lại hãng xe Nhật, rằng hiện tượng tăng tốc đột ngột là do phần điện tử, chứ không phải cơ khí như Toyota thông báo. Ảnh: Atozautolights. |
Tuy nhiên, Clarence Ditlow, đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Centrer for Auto Safety, khẳng định tài liệu năm 2002 không đề cập tới cách sữa chữa về mặt cơ khí. "Họ chỉ nói về các bộ phận điện tử và cho biết cách sửa chữa là lập trình lại máy tính. Cũng không có bất cứ thứ gì đề cập tới tấm lót sàn".
Trong khi đó, tài liệu nội bộ của Toyota do một nhóm luật sư cung cấp cho CNN đang giúp thêm chứng cớ trong vụ kiện có tính chất toàn cầu chống lại hãng xe Nhật Bản.
Ditlow cho biết, tài liệu này, trước đó chưa từng được công bố rộng rãi, chỉ ra rằng Toyota đã sớm biết về lỗi kết nối điện tử dẫn tới hiện tượng tăng tốc đột ngột. Theo người đàn ông này, bản thông báo dường như đã bị phớt lờ hoặc giấu nhẹm đi trước công chúng, không chỉ bởi Toyota, mà còn bởi Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA.
Ditlow phát biểu với CNN: "Chính phủ Mỹ thực sự đã giấu giếm thông tin này đối với khách hàng. Họ thông đồng với ngành công nghiệp ôtô để che đậy trước công chúng".
Hiện các luật sư đang buộc tội Toyota, cho rằng thông báo sửa chữa là bằng chứng cho thấy hãng này cố ý nói dối khách hàng về nguyên nhân lỗi tăng tốc đột ngột, đổ tội oan cho tấm lót sàn và chân ga bị dính.
Theo Tim Howard, một giáo sư luật, người đứng đầu nhóm đứng ra kiện Toyota: "Họ có thể dễ dàng sửa những lỗi này. Nhưng chúng khiến họ mất khoảng 500 USD cho mỗi xe tại Mỹ. Và nếu có tới 6-7 triệu xe phải sửa, con số chi phí sẽ là khoảng 4-5 tỷ USD. Một tổn thất quá nặng nề để phải nói ra sự thật".
Hiện NHTSA vẫn chưa có phản ứng. Còn Toyota cũng không trả lời các câu hỏi về bản thông báo trên, nhưng lại gửi một tuyên bố tới CNN, công kích Howard và đoàn luật sư của ông.
Nội dung bản tuyên bố có đoạn: "Toyota phản đối mạnh mẽ luận điệu hoàn toàn không có cơ sở của các luật sư như Mr. Howard. Toyota sẽ chống lại những khiếu nại vô căn cứ trên".
Về phía mình, Howard và đoàn luật sư của ông cho biết, họ sẽ xuất hiện tại phiên tòa ở San Diego (bang California, Mỹ) vào cuối tuần này.
Mỹ Anh