Sóng gió liên tục ập đến Akio Toyoda ngay khi ông trở thành lãnh đạo Toyota, một công ty có kiểu gia đình trị, vào tháng 6/2009. Khủng hoảng tài chính toàn cầu là sự không may đối với Akio Toyoda. Hành động đầu tiên của người thuyền trưởng lại là lời xin lỗi cổ đông về sự thất bại của công ty.
Sau đó vào tháng 8, sự cố triệu hồi kéo khủng hoảng Toyota lên tầm phức tạp. Khách hàng phàn nàn việc tăng tốc không theo ý muốn và một số vấn đề an toàn khác, dẫn tới việc triệu hồi 24 triệu xe trên toàn thế giới. Gây ra vết nứt lớn về danh tiếng chất lượng Toyota.
Đang vật lộn với những hậu quả thì động đất và sóng thần ập tới tháng 3/2011, phá vỡ nền kinh tế Nhật, làm gián đoạn ngành sản xuất ôtô.
Akio Toyoda, Tổng giám đốc và là cháu nội người sáng lập hãng Toyota. |
Vị Tổng giám đốc này không thể nhẹ nhõm, dù trong chốc lát, khi phải giải quyết chuỗi vấn đề trong những tháng tới như tốc độ bán hàng chậm, thị phần giảm và lợi nhuận xuống thấp.
Báo cáo tuần trước cho biết lợi nhuận quý 1/2011 giảm 77% và không có khả năng phục hồi. Lượng xe thiếu hụt khiến những khách hàng truyền thống chọn hãng khác. Toyota có thể mất họ vĩnh viễn.
Vấn đề thêm rắc rối khi đồng yên tăng giá cao trong lịch sử, tạo áp lực lên mọi thứ mà Toyota làm ở Nhật. "Những gì Toyota sẽ đi qua trong 6 tháng tới thực sự đáng sợ" Jeremy Anwyl người đứng đầu website chuyên về ôtô Edmunds của Mỹ đánh giá.
Khó khăn, nhưng một công ty lớn luôn biết cách đương đầu với thử thách và kết quả là sức mạnh sẽ được bộc lộ. Toyota là công ty lớn, điều đó không phải bàn cãi. Quá khứ ghi nhận những thành công trong việc xử lý khủng hoảng. Nếu Akio Toyoda làm giống như bậc cha anh, ông sẽ tiếp nối truyền thống đó.
Một dẫn chứng là năm 1997, lửa thiêu cháy nhà sản xuất xi-lanh chính trong hệ thống phanh. Nhiều dự đoán cho rằng Toyota phải dừng sản xuất trong vài tuần. Nhưng Toyota đã tin tưởng một nhà cung cấp khác, sẵn sàng hỗ trợ bằng cách sản xuất một phần linh kiện và dây chuyền lắp ráp chạy trở lại sau 5 ngày.
Akio Toyota (giữa) trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ về sự cố chân phanh của Toyota năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia bắt đầu phân tích sự vận hành Toyota trong khủng hoảng. Trong Toyota Under Fire, quyển sách mới của Jeff Liker và Timothy Ogden, tác giả kể lại chi tiết truyền thống Toyota được trau dồi như thế nào. Xác định đúng vấn đề, kìm chúng lại, tìm ra nguyên nhân cốt lõi và sau đó đặt đúng vị trí.
Hãng tập trung vào khách hàng, đáp ứng yêu cầu họ đưa ra. Xem xét nội bộ để hợp lý hóa, nhằm nhanh chóng phục hồi khi khủng hoảng xảy ra trong tương lai. Khả năng làm việc của Toyota minh chứng khi NASA không tìm thấy vấn đề điện nào trên hệ thống điều khiển. Cho đến nay chỉ một vài thiếu sót thảm lót sàn dẫn tới tình trạng tăng tốc ngoài ý muốn.
Toyota không được đánh giá cao ở khả năng linh hoạt và tập trung nguồn lực. Hãng này khó thoát ra khỏi định kiến, điển hình như việc mở rộng nhà máy sang Mỹ hay phát triển dòng bán tải cỡ lớn. Phải mất thời gian Toyota mới nhận ra sai lầm và có phương án điều chỉnh.
Trước đây, Toyota cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy ngành sản xuất ôtô ở Nhật Bản. Nhưng đồng yên lên giá đang thách thức quan điểm này. "Tôi hoàn toàn hiểu rằng Toyota không thể tiếp tục mong muốn bảo vệ nền sản xuất tại Nhật Bản" Akio Toyoda nói. Sự chuyển dịch mạnh mẽ hiện này hướng tới các nước đang phát triển.
Toyota làm mọi cách để khôi phục nguồn cung phụ kiện. Dù báo cáo cho thấy lợi tức giảm, song sức phục hồi nhanh hơn dự kiến. Sản lượng trở lại bình thường vào tháng 6, sớm hơn hai tháng so với hình dung vào tháng 4. Những người quan tâm đôi khi quên đi vấn đề khó khăn trước mắt của Toyota trong ngắn hạn. Tất cả có thể giải quyết được.
Đánh giá đáng chú ý là Toyota đã bắt kịp BMW, trở thành hãng ôtô có giá trị thương hiệu nhất thế giới, theo WPP - tập đoàn quản cáo toàn cầu.
Thế Hoàng