Sự tăng trưởng nhanh chóng của các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc khiến các hãng hạng sang tranh nhau tìm kiếm thị phần và lợi nhuận. Ian Robertson, Giám đốc điều hành Rolls-Royce miêu tả: "Tốc độ mua xe sang ở Trung Quốc là không thể tin được".
Chính vì sự hấp dẫn này mà Rolls-Royce đã quyết định mở đại lý thứ năm tại đây, nâng tổng số đại lý trên toàn cầu lên con số 80. Đại lý mới được đặt tại thành phố Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, nơi đang bùng nổ về kinh tế và số người giàu.
Đại lý Rolls-Royce tại Thượng Hải. Ảnh: Blogspot. |
Trong 2007, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 thế giới của Rolls-Royce, sau Mỹ và Anh, với 100 chiếc bán ra. Năm 2006, chỉ có 71 chiếc được các đại gia nước này đặt mua. Nhưng đây vẫn được coi là thành tích không tồi bởi vào 2003, Rolls-Royce không thể bán nổi một chiếc tại thị trường này.
*Tậu xe siêu sang kiểu Trung Quốc |
J.D. Power, hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu Mỹ dự báo chưa đầy một thập kỷ nữa, doanh số xe tại Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 8 triệu năm 2007 lên 16 triệu chiếc vào 2014. Phân khúc xe hạng sang cũng có mức tăng tương tự, vào khoảng 508.000 chiếc năm 2014. Năm ngoái, giới nhà giàu Trung Quốc bỏ tiền tậu tới 205.000 chiếc xe hạng sang, tăng 29% so với 2006.
Người Trung Quốc có những quan niệm khá lạ về xe sang so với các thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu. Thương hiệu Buick vốn đang thoi thóp tại Mỹ thì ở Trung Quốc lại được coi là xe hạng sang. Trong khi hãng mẹ General Motors đang vật lộn với việc Buick ế ẩm ở chính quốc thì nó lại là dòng xe bán chạy nhất Trung Quốc, cao hơn cả Chevrolet.
Riêng năm 2007, Buick bán tổng cộng 332.115 xe, tăng 9% so với năm trước. Tại Mỹ, hãng này chỉ bán được 185.791 chiếc, giảm 23%. Nhờ sự "ưu ái" của người Trung Quốc mà Buick mới không bị General Motors khai tử. Thậm chí hãng này còn sản xuất những mẫu xe riêng biệt cho khách hàng Trung Quốc như chiếc limousine Park Avenue.
Với thành tích này, Buick chiếm tới 30% trong số 1 triệu xe mà GM bán ra tại đây vào năm ngoái.
Dẫu Buick được ưa chuộng thì thương hiệu này vẫn không thể sánh với xe châu Âu, đặc biệt là những thương hiệu đến từ Đức. Lần đầu tiên, doanh số Audi ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ nhờ lợi thế là thương hiệu đầu tiên xuất hiện và phần lớn xe được lắp ráp ngay tại đây.
Hiện Audi chiếm tới 50% thị phần xe hạng sang. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng cao do sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn như BMW, Bentley, Cadillac, Lexus, Mercedes và Porsche.
Sự tăng tưởng xe sang bùng nổ kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào cuối 2001. Bên cạnh đó là việc chính phủ nước này hạ thấp khoản đầu tư bắt buộc cho những dự án mới vào cuối 2004. Nhờ đó, một hệ thống chuyển nhượng thương mại được hình thành.
Sự thành công của các hãng xe hạng sang bắt nguồn từ tâm lý chuộng hàng hiệu của những triệu phú mới giàu. Phân khúc xe có giá phải chăng chịu sự cạnh tranh mạnh từ các mẫu xe giá rẻ từ các hãng nội địa. Trong khi đó xe hạng sang có một thị trường riêng, mà ở đó giá trị của chủ nhân được nâng lên.
"Khách hàng thượng lưu thường tìm kiếm những thương hiệu đáng tin cậy. Để thể hiện "bộ mặt" Trung Quốc và tiềm lực tài chính, không có gì hiệu quả hơn là sơ hữu một nhãn hiệu dễ nhận biết", Wendy Cai, Giám đốc Chinese Services Group làm việc cho hãng kiểm toán Deloitte phân tích.
Cùng với Rolls-Royce, Ferrari là hãng được lợi nhiều từ phong cách tiêu dùng của lớp người mới giàu. Sau nhiều năm giữ mức sản xuất 4.000 xe mỗi năm, Ferrari đã phải nâng sản lượng lên 6.400 chiếc vào 2007 do nhu cầu tăng quá cao.
Tăng trưởng của Ferrari ở châu Âu và Mỹ chỉ vào khoảng 8% nhưng các thị trường mới nổi như Trung Quốc lên tới 50%.
Trọng Nghiệp (theo Businessweek)