Mì tôm hay mì ăn liền (phát minh của người Nhật) đã trở thành món ăn nhanh phổ biến khắp Thế giới. Loại thực phẩm này rất thích hợp đối với những người bận rộn và lười nấu ăn bởi chỉ cần bỏ ra vài phút bạn đã có ngay một tô mì ngon và hấp dẫn.
Tuy mì ăn liền gần gũi, thân thuộc là thế nhưng có rất nhiều bí mật thú vị về nó mà nhiều người chưa biết đến. Dưới đây là 10 sự thật thú vị về mì ăn liền có thể khiến bạn phát "sốc".
1. Mì ăn liền từng được coi là xa xỉ phẩm
Khi mì ăn liền lần đầu tiên được ra đời vào năm 1958, nó được coi là một sản phẩm xa xỉ có giá trị cao tại thời điểm bấy giờ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhận thấy tình hình khan hiếm thực phẩm, ông Momofuku Ando đã phát minh ra mì ăn liền và là người đem lại thành công cho thương hiệu mì Nissin – một loại mì ăn liền có vị gà và có thể chế biến dễ dàng ở bất cứ đâu. Hiện nay, loại đồ ăn này đã trở thành một mặt hàng thông dụng và được tiêu dùng nhiều trên thế giới.
2. Mì ăn liền được ưa chuộng và bán chạy nhất trong tù
Tại nhà tù Rikers, New York, mì ăn liền được ưa chuộng và tiêu thụ với số lượng lớn. Theo tờ New York Post, mỗi cốc mì được bán với giá 35 cent. Tại đây, những người quản lý sẽ bán mì và nước sôi để nấu cho các tù nhân. Đôi khi, những tù nhân không ăn mì mà chỉ lấy những gói gia vị trong đó để làm đậm đà thêm thực đơn nhạt nhẽo hàng ngày.
3. Nhiều người thích ăn mì sống hơn là mì nấu
Theo nguyên tắc mì tôm phải được nấu chín với nước đun sôi, tuy nhiên nhiều người lại thích ăn sống hơn là ăn theo kiểu nguyên bản. Ông David Chan, người đã góp phần tạo nên thành công của các chuỗi nhà hàng Momofuku cho hay “Ăn mì tôm sống cùng với gói bộ gia vị của nó cũng đem lại một hương vị khó quên. Bạn sẽ cảm thấy giòn tan khi cắn một miếng mì tôm sống”.
Nhiều người thích ăn mì ăn liền sống hơn là mì nấu (Ảnh minh họa)
Tại Hàn Quốc, các loại mì như Ottogi, Ppushu Ppushu và Pow Crunch rất thích hợp được ăn theo kiểu này. Tại Ấn Độ, người ta thường ăn sống loại mì có tên gọi là mì nâu, tại đây họ có ăn kèm thêm một số loại hạt, nho khô hoặc rau. Tại Đài Loan, mì Ve Wong sẽ là một món ăn sống hoàn hảo khi được ăn kèm với rong biển và thịt xông khói.
4. Trên thế giới có rất nhiều loại mì tôm với đa dạng các hương vị
Tại Mỹ, hương vị mì ăn liền như thịt bò, gà, tôm rất được người dân ưa thích. Trong số tất cả các vị thì gà là khá phổ biến và được tiêu thụ nhiều hơn. Ở Ba Lan, một công ty tên là Amino đã tạo ra một loại mì có hương vị của khói. Tại Anh thì nổi tiếng với mì Pot Noodle mang hương vị gà chiên. Ở Indonesia, người dân lại ưa thích ăn loại mì xào mà không cần nước dùng. Không chỉ khác nhau về hương vị, mỗi nước cũng có những cách biến tấu mì ăn liền một cách độc đáo và hấp dẫn.
5. Nếu ăn quá nhiều mì ăn liền, bạn sẽ gặp vấn đề nguy hại về sức khỏe
Thành phần tạo nên mì ăn liền bao gồm: bột mì, dầu ăn, bột ngọt cùng với các gia vị tạo nên mùi vị cho gói mì. Trải qua quá trình sấy khô hay chiên qua dầu ăn nên giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền còn lại rất thấp, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất.
Muối natri có trong mì ăn liền là nguyên nhân chính khiến cho món ăn này trở thành món ăn có hàm lượng natri cao. Và khi có hàm lượng Natri cao, mì ăn liền có thể gây tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, suy thận và một số vấn đề sức khỏe khác. Cũng chính bởi vậy mà các nhà y khoa đã khuyến cáo, thậm chí chống chỉ định đối với những người cao huyết áp không được ăn nhiều thực phẩm giàu natri.
Không chỉ natri mà chất sáp có trong mì cũng gây tổn hại cho người dùng. Nếu để ý sẽ thấy sau khi đổ nước nóng vào bát mì, một lúc sau sáp sẽ nổi trên mặt nước. Chất này, trong quá trình sản xuất sẽ được “bao” lấy sợi mì để sợi mì không “đóng bánh” lại khi đổ nước nóng vào. Khi ăn một lượng mì quá lớn, chất sáp này khiến sức khỏe của con người bị ảnh hưởng do chất propylene glycol dễ dàng được hấp thụ và tích tụ trong tim, gan, thận gây những bất thường và tổn thương. Đặc biệt, nó còn làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người.
6. Một số loại mì được nấu theo kiểu mì lạnh
Mì lạnh không chỉ đơn giản là món mì được làm lạnh, mà cái tên này còn được dùng để chỉ toàn bộ các loại mì ăn vào mùa hè, để phân biệt với mì ăn vào mùa đông với những đặc điểm là nước dùng nóng hổi, ăn vào cảm thấy ấm bụng.
Mì lạnh ở Hàn Quốc có thể là miến xào, mì xào, mì khô, mì với nước dùng lành lạnh man mát, song tất cả đều có chung đặc điểm là sợi mì mảnh, vị thanh nhẹ, không đầy bụng, ăn kèm với các thực phẩm giải nhiệt như đậu xanh, đậu đen, giá đỗ, rau củ, những loại thịt tính hàn…Một số loại mì lạnh nổi tiếng ở Hàn như Naengmyeon, Jeangban guksu, Kongguksu...
Món mì lạnh Naengmyeon của Hàn
Không chỉ riêng Hàn Quốc, tại Nhật cũng nổi tiếng với Hiyahsi chuka - món ăn được làm từ những sợi mỳ tôm lạnh và khi ăn thì được phủ thêm nhiều nguyên liệu ở trên và kèm với một bát súp lạnh.
7. Trung Quốc là quốc gia ăn mì ăn liền nhiều nhất thế giới
Năm 2013, theo khảo sát của Hiệp hội Mì thế giới, Trung Quốc là đất nước tiêu thụ nhiều mì gói nhất thế giới với hơn 46 tỷ gói mì trong một năm. Thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là Tong-Yi, được bán ở hầu hết mọi ngõ ngách từ các siêu thị sang trọng đến các quầy hàng bán lẻ đường phố.
8. Người Nhật coi mì ăn liền là phát minh tốt nhất của họ
Năm 2000, một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu Fuji, Nhật Bản đã cho kết quả rằng bên cạnh những phát minh về công nghệ vĩ đại mà người Nhật đã cống hiến cho thế giới thì họ thực sự tự hào và coi mì ăn liền là một trong những phát minh tốt nhất của họ. Người Nhật tự hào vì đã phát minh ra một loại thực phẩm đại diện "Made in Japan" và nó được coi là một loại lương thực toàn cầu.
9. Nhật Bản có một bảo tàng mì ăn liền
Người Nhật đã cho xây dựng Bảo tàng mì cốc (Cup Noodles) tại Osaka, Nhật Bản để kể về lịch sử hình thành mì ăn liền của Momofuku Ando và quá trình phát triển của công nghiệp chế biến mì ăn liền. Tại bảo tàng này còn riêng một khu vực cho khách pha chế mì theo khẩu vị của chính mình, với những miếng bánh cá in các nhân vật hoạt hình dễ thương. Có đến 5.460 cách kết hợp hương vị mì gói có thể được thực hiện tại bảo tàng này.
Các cốc mì phục vụ cho khách tự pha chế tại một khu vực riêng của bảo tàng Cup Noodles
10. Mì ăn liền đã được sử dụng trong không gian
Năm 2005, 2 năm trước khi Momofuku Ando qua đời, ông đã kịp phát minh ra sản phẩm để đời mới là sản phẩm mì ăn liền trong không gian. Trong môi trường không trọng lực, mì gói được đặt trong các túi hút chân không, có thể được nấu chín và không tới cần nước sôi. Sản phẩm này được đưa ra vũ trụ trên tàu con thoi Discovery và được nhà du hành Soichi Noguchi thưởng thức đầu tiên.