Gỏi sứa hay nộm sứa là một món ăn kèm rất ngon và được nhiều người yêu thích. Sứa giòn ngon, các loại rau thơm, xoài chua chua ngọt ngọt vừa át vị tanh vừa đánh thức vị giác. Nộm sứa có thể ăn cùng cơm hay dùng làm món nhậu nhâm nhi ngày hè.
Dưới đây là 8 cách làm gỏi sứa (nộm sứa) ngon khá đơn giản chị em có thể dễ dàng thực hiện được.
Hướng dẫn chọn sứa ngon làm gỏiSứa có rất nhiều loại khác nhau vì thế khi mua sứa bạn cần phải lưu ý. Để chọn được sứa ngon, bạn nên quan sát một số điểm sau:
- Màu sắc: Ưu tiên chọn những con sứa có màu hồng nhẹ, bề mặt của sứa không dính.
- Độ đàn hồi: Muốn món gỏi sứa giòn ngon thì thịt sứa phải rắn chắc và có độ đàn hồi tốt. Bạn có thể cầm sứa lên và cảm nhận. Chú ý, tuyệt đối không chọn những con sứa có nước chảy ra nhé.
Ngoài việc mua sứa tươi, Bếp Eva khuyên bạn nên chọn mua loại sứa đã được sơ chế sẵn bày bán trong các siêu thị. Phần sứa này đã được làm sạch và loại bỏ các độc tố vì thế khi làm gỏi (nộm sứa) bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
Cách sơ chế sứa biển không tanhĐối với các chị em mua loại sứa đã làm sẵn trong siêu thị thì chỉ cần rửa lại sứa với nước là xong. Tuy nhiên, nếu bạn mua sứa biển tươi thì nên:
- Mổ sứa và lấy đi toàn bộ những chất cặn bẩn ở bên trong con sứa.
- Ngâm sứa khoảng 4 - 6 tiếng để nhả toàn bộ chất độc ra. Chú ý, nên cho phèn chua vào nước để hiệu quả thải độc tốt hơn. Ngoài ra, bước này cũng giúp sứa trở nên giòn và ngon hơn.
- Chần sứa qua nước sôi để loại bỏ hoàn toàn lớp nhớt cũng như mùi tanh còn sót lại.
1. Cách làm gỏi sứa thập cẩm miền Trung đơn giản nhấtNgười miền Trung có công thức làm gỏi sứa cực kỳ dễ làm mà giòn ngon, ăn một lần là “ghiền”. Tham khảo cách làm nộm sứa thập cẩm miền Trung ngay sau đây.
Nguyên liệu làm gỏi sứa tươi- Sứa tươi 350g
- Lạc 100g
- Vừng 25g
- giá đỗ 150g
- Dưa chuột 2 - 3 quả
- 1 củ hành tây, 1 quả chanh, 1 củ cà rốt
- 2 củ sả, 1 nắm lá chanh, 1 nắm húng quế, gừng
- Đường, bột canh, ớt, dầu vừng, giấm, muối, phèn chua
Nguyên liệu làm gỏi sứa
Cách làm gỏi sứa giòn ngonBước 1: Cách sơ chế sứa biển tươi
- Cầm phần mai và cắt sạch xúc tua, sau đó lật mặt trong của mai hướng lên trên, chà với cát để loại bỏ chất nhớt của thịt sứa biển tươi. Đến khi thịt sứa đã sạch thì rửa lại với nước.
- Cắt sứa thành những miếng nhỏ, ngâm với nước có pha sẵn chút muối, phèn chua rồi vớt ra rửa sạch. Lặp lại quá trình ngâm với nước muối và phèn chua 4 - 5 lần cho sứa sạch hết chất độc bên trong và giòn hơn.
- Cắt sứa thành các miếng vừa ăn, ngâm vào bát nước ấm cho thêm xíu gừng để sứa hết mùi tanh.
Sơ chế sứa tươi trước khi làm gỏi, cắt thành miếng vừa ăn
Lưu ý: Với món gỏi sứa thập cẩm miền Trung, các bạn có thể mua sữa đóng túi sẵn trong siêu thị. Đó vẫn là sứa tươi đã được làm sẵn chỉ cần rửa sạch là có thể làm gỏi.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu đi kèm
- Lạc, vừng rang chín, bỏ vỏ rồi giã nhỏ
- Cà rốt rửa sạch, bỏ vỏ, thái sợi
- Dưa chuột rửa sạch, bỏ vỏ thái thành miếng vừa ăn
- Hành tây rửa sạch, thái nhỏ rồi ngâm trong bát nước có pha giấm khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo nước.
- Lá chanh, rau húng quế, ớt rửa sạch, thái nhỏ.
- Sả bỏ bớt vỏ, rửa sạch, đập dập.
Hành thái nhỏ, rau thơm, rau húng thái
Bước 3: Cách làm gỏi sứa biển
- Pha đường, bột canh và dầu mè với tỷ lệ 1:1:1 trộn đều.
- Cho sứa, cà rốt, dưa chuột, hành tây, lá chanh, rau húng, ớt, sả vào cùng với nước gia vị đường, bột canh, dầu mè đảo thật đều. Sau đó để hỗn hợp gỏi sứa nghỉ 10 - 15 phút cho ngấm đều gia vị. Cho gỏi ra đĩa, rắc thêm lạc rang, vừng rang lên trên.
Hoàn thành gỏi sứaCách làm gỏi sứa thập cẩm miền Trung ngon đòi hỏi các nguyên liệu được trộn đều, ngấm đều gia vị, sứa giòn sần sật không bị tanh. Nộm sứa sau khi làm xong nên ăn luôn để tránh bị ra nước ăn bị nhạt và bớt giòn.
Hình ảnh nộm sứa hoàn thành màu sắc đẹp mắt, không bị ra nước
2. Cách làm gỏi sứa xoài xanhNộm sứa xoài được nhiều người yêu thích bởi vị chua chua ngọt ngọt rất đặc trưng.
Nguyên liệu gỏi sứa xoài:- 200g sứa đóng túi sẵn ở siêu thị
- 1 củ cà rốt
- 1 quả xoài xanh
- Lạc rang
- Ớt, tỏi, rau thơm, rau mùi, kinh giới
- Giấm, đường, bột canh
Nguyên liệu làm gỏi sứa xoài xanh
Hướng dẫn làm gỏi sứa xoài xanhBước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sứa rửa sạch để ráo nước rồi chần qua nước sôi.
- Xoài xanh bỏ vỏ thái sợi. Cà rốt thái sợi.
- Rau nhặt sạch, để ráo nước, cắt nhỏ.
- Tỏi băm nhỏ, ớt thái chỉ, lạc rang giã nhỏ
Sứa rửa sạch, xoài, cà rốt bào sợi, rau thơm thái nhỏ, lạc giã dập
Bước 2: Pha nước trộn nộm sứa
- Cho 2 muỗng giấm, 2 muỗng đường, 1/2 thìa cafe bột canh vào trộn thật đều.
- Hỗn hợp trộn đều thì cho tỏi băm và ớt thái chỉ vào đảo đều.
Pha nước trộn gỏi
Bước 3: Cách trộn gỏi sứa
- Cho sứa, xoài, cà rốt, rau thơm, rau kinh giới và hỗn hợp nước trộn sứa vào đảo đều. Có thể nêm nếm gia vị lại theo khẩu vị đậm, nhạt vị chua ngọt.
- Cuối cùng cho lạc rang vào đảo đều lại và cho ra đĩa.
Trộn gỏi sứa xoài xanh
Cách làm gỏi xoài xanh đơn giản, xoài không quá chua, sứa giòn và vị chua ngọt vừa miệng.
Hình ảnh gỏi sứa xoài xanh
3. Giòn ngon gỏi sứa bắp chuối kiểu Đà NẵngNếu như gỏi sứa thập cẩm ưu tiên dùng nhiều loại rau củ thì nộm sứa bắp chuối của người Đà Nẵng lại không cần quá nhiều thứ. Chỉ cần 1 chiếc bắp chuối, vài hạt lạc rang cùng túi sứa thêm ít nước mắm chua cay là đã có ngay 1 đĩa nộm sứa ngon “nhức nhối” rồi.
Nguyên liệu làm gỏi sứa bắp chuối:- Sứa đóng túi 500g
- 1 cái hoa chuối
- 1 quả xoài xanh, 1 củ cà rốt
- 20g lạc rang đập dập
- Tỏi, ớt, chanh, muối, nước mắm, đường, giấm
Sứa, hoa chuối làm nộm
Các bước làm gỏi sứa bắp chuốiBước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sứa đóng túi đổ ra rửa sạch, chần qua nước sôi rồi để ráo.
- Hoa chuối bóc bớt lớp ngoài, thái sợi nhỏ, ngâm vào nước gạo pha chút muối và giấm để hoa chuối được trắng, không bị thâm. Ngâm một lúc thì vớt ra rồi vắt khô.
- Cà rốt gọt vỏ thái sợi. Xoài gọt vỏ thái sợi
- Tỏi băm nhỏ, chanh vắt lấy nước bỏ hạt
Sứa rửa sạch, hoa chuối thái nhỏ
Bước 2: Làm nước trộnCho 2 thìa nhỏ nước mắm, 1 thìa muối, 2 thìa đường, 3 thìa cafe dấm, 1 thìa nước cốt chanh, cho tỏi băm, ớt băm và khuấy thật đều hỗn hợp.
Pha hỗn hợp nước trộn gỏi sứa
Bước 3: Cách trộn gỏi sứaCho sứa, hoa chuối, xoài, cà rốt vào 1 tô lớn, rưới hỗn hợp nước trộn vào và bóp đều cho gia vị ngấm.
Khi ăn bày ra đĩa, rắc lạc rang đập dập và có thể trang trí với một vài cọng rau thơm.
Gỏi sứa hoa chuối màu sắc đẹp mắt, giòn ngon
Nộm sứa hoa chuối giòn sần sật, hoa chuối trắng, bùi không bị đắng. Nộm sứa hoa chuối ăn ngay, không để quá lâu dễ bị ra nước.
4. Cách làm gỏi sứa đu đủ tai heoChán ngán với 3 cách làm gỏi sứa truyền thống, có một công thức làm món nộm sứa ngon đỉnh của chóp mà bạn không thể bỏ lỡ đó là kết hợp với sứa cùng đu đủ và tai heo.
Nguyên liệu làm nộm sứa với đu đu:- 300g sứa ăn liền
- Đu đủ xanh đã gọt vỏ, thái sợi, ngâm hết nhựa
- 400g tai heo
- 2 củ cà rốt bào sợi
- Lạc rang giã nhỏ
- Chanh, ớt tươi băm, rau kinh giới rửa sạch thái nhỏ
- Tỏi băm, muối, đường.
Những nguyên liệu làm nộm sứa đu đủ xanh tai heo
Chi tiết cách làm gỏi sứa đu đủBước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sứa ăn liền rửa sạch để ráo nước
- Tai heo rửa sạch, xát muối để khử mùi hôi rồi mang luộc chín, vớt ra cho ngay vào bát nước đá lạnh để khoảng 1 tiếng để tai heo giòn. Sau đó thai nhỏ miếng vừa ăn.
Tai heo luộc chín thái miếng nhỏ vừa ăn
Bước 2: Làm nộm sứa đu đủ tai heo
- Cho đường, ớt băm, tỏi băm, muối, xíu nước mắm vào trộn đều, sau đó thêm nước cốt chanh theo khẩu vị và khuấy thật đều. Tùy khẩu vị mà nêm mặn, nhạt, ngọt, chua, cay theo sở thích.
- Cho tai heo và sứa vào tô trộn thật đều, sau đó thêm đu đủ, cà rốt thái sợi vào xóc thật đều.
- Cho rau kinh giới và gia vị vừa pha vào trộn thật đều cho ngấm đều gia vị, nếm thử vừa ăn là được.
Nộm sứa đu đủ tai heo giòn ngon hấp dẫn
Nộm sứa đu đủ xanh khi ăn thì cho thêm lạc rang giã dập. Nên ăn khi nguyên liệu ngấm gia vị, để lâu nộm sẽ bị ra nước ăn không ngon.
5. Cách làm nộm sứa với dưa chuộtDưa chuột thanh mát, sứa giòn sần sật lại thêm chút chua chua của khế, hương vị đặc trưng của rau thơm, chút mắm cay cay hòa quyện tạo nên một món ăn tròn cả hương lẫn sắc.
Nguyên liệu làm nộm sứa:- Sứa ăn liền 500g
- Dưa chuột 2 quả
- Cà rốt 1 củ
- Khế chua 1 quả
- Chanh, rau thơm, ớt, tỏi
- Đường, muối, nước mắm...
Nguyên liệu làm gỏi sứa dưa chuột
Cách làmBước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sứa ăn liền rửa sạch để ráo nước
- Dưa chuột rửa sạch thái mỏng miếng vừa ăn
- Cà rốt rửa sạch bào sợi
- Khế rửa sạch thái miếng mỏng vừa ăn
- Tỏi, ớt băm nhỏ, rau thơm rửa sạch thái nhỏ
Bước 2: Pha nước trộn gỏi
- Cho 3 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh đường, ớt băm, tỏi băm và nước cốt chanh vào đảo đều cho tan hết đường.
Pha nước trộn gỏi sứa
Bước 3: Trộn gỏi sứa
Cho sứa, dưa chuột, cà rốt bào sợi, khế, rau thơm vào 1 chậu rồi cho hỗn hợp nước pha trộn gỏi vào, đảo thật đều cho gia vị ngấm hết nguyên liệu là được.
Gỏi sứa đu đủ ăn ngay để có độ giòn ngon, không bị ra nước. Khi ăn có thể thêm chút lạc rang hay vừng tùy thích.
6. Lạ miệng gỏi sứa tôm thịt kiểu miền BắcSứa kết hợp thêm với tôm thịt đảm bảo vừa thơm ngon lại giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu- Sứa: 200g (Để tiện lợi, tiết kiệm thời gian, bạn nên mua loại sứa đã sơ chế sẵn trong siêu thị hoặc các cửa hàng hải sản).
- Tôm sú: 200g
- Thịt heo: 100g (nên chọn phần thịt nạc vai vừa có lạc vừa có mỡ như thế món gỏi sẽ béo ngậy và hấp dẫn hơn).
- Cà rốt: 1 củ
- Lạc rang: 100g
- Hành tây: 1 củ
- Dưa chuột: 1 quả
- Rau mùi, ớt và chanh tươi, giấm ăn
- Muối, đường, nước mắm
Cách làmBước 1: Sơ chế sứa tôm thịt
- Sứa sau khi mua về bạn đem rửa sạch sau đó chần qua nước sôi. Lưu ý, không chần quá lâu bởi như thế sẽ làm sứa mất đi vị giòn ngon.
- Vớt sứa ra rổ và thái thành từng miếng vừa ăn.
- Tôm sú tươi rửa sạch đem hấp chín rồi bỏ phần vỏ. Vì tôm to thế nên bạn hãy dùng dao tách nhẹ thân tôm thành 2 nhé.
- Thịt heo rửa sạch rồi luộc chín, thái mỏng vừa ăn.
Bước 2: Chuẩn bị rau
- Các loại rau củ bạn đem rửa sạch.
- Cà rốt gọt vỏ rồi nạo sợi nhỏ vừa ăn.
- Dưa chuột nạo vỏ, thái thành miếng mỏng vừa. Không nên thái mỏng quá nếu không dưa sẽ bị nát, không giòn. Ngoài ra, bạn cũng nên bỏ phần ruột dưa như thế mới đảm bảo món gỏi sứa giòn ngon đúng điệu.
- Hành tây bóc vỏ, thái mỏng sau đó ngâm trong bát nước lạnh. Một số người sợ mùi hăng của loại củ này có thể đem đi chần qua nước sôi. Tuy nhiên, cách làm trên sẽ khiến hành tây không được giòn như ban đầu.
- Lạc rang chà xát cho hết vỏ rồi đem giã dối.
- Rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 3: Trộn gỏi
- Nước trộn: Phần nước mắm trộn gỏi sẽ quyết định tới chất lượng của món ăn. Cách pha nước trộn gỏi sứa rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo công thức sau: 1 thìa nước mắm, 1 thìa giấm ăn, 1 thìa đường, 1 thìa ớt băm, tỏi băm tất cả cho vào bát nhỏ rồi khuấy đều cho gia vị tan, quyện vào nhau là được.
- Trộn gỏi sứa: Lần lượt cho sứa, tôm, thịt, hành tây, cà rốt, dưa chuột vào bát tô. Rưới phần nước mắm vừa pha lên trên rồi dùng đũa trộn đều lên.
- Hoàn thành: Gắp gỏi sứa ra đĩa lớn, rắc lạc rang và rau mùi lên trên rồi thưởng thức.
Thành phẩmMón gỏi sứa tôm thịt có hương vị vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Phần sứa giòn sần sật, tôm thịt ngọt thơm, đậm đà của gia vị thêm chút thanh ngọt của rau củ, cay cay của ớt, béo bùi của lạc rang, tất cả hòa quyện tạo nên món gỏi (nôm) ngon quên sầu.
7. Cách làm gỏi sứa sốt TháiKhông chỉ có chân gà sốt Thái, chị em còn có món gỏi sứa sốt Thái siêu “cuốn” đã ăn là ghiền, cùng Bếp Eva tham khảo ngay nhé!
Nguyên liệu cần có:- Sứa đã làm sẵn: 300g
- Xoài xanh: 1 quả
- Các loại gia vị cần có để làm nước sốt Thái:
+ Quất: 2 quả
+ Ớt tươi: 2 - 3 quả (tùy vào khả năng ăn cay)
+ Nước mắm: 2 thìa
+ Hành tây: 1 củ
+ Tỏi băm: 1 thìa
+ Cóc non: 2 - 3 quả
+ Đường trắng: 3 thìa
Các bước làm gỏi sứa sốt TháiBước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sứa mua về rửa lại với nước sau đó để ráo. Nếu không ăn được đồ sống, bạn có thể đem chần sứa qua nước sôi.
- Xoài xanh bỏ vỏ, nạo sợi dày để khi trộn gỏi sẽ giòn ngon hơn. Một phần xoài thái miếng vuông.
- Hành tây thái mỏng, ngâm nước lạnh.
- Quất thái miếng mỏng.
- Cóc non gọt vỏ, bổ đôi.
Bước 2: Làm nước sốt Thái
- Cho đường vào nồi sạch rồi thêm 1 ít nước lọc vào đun. Khi nước đường sôi bạn nêm vào đây 1 thìa nước mắm. Khi hỗn hợp có màu vàng nâu đẹp mắt thì tắt bếp.
- Để hỗn hợp nước đường nguội chừng 5 phút thì lần lượt cho tỏi và ớt băm vào. Dùng thìa trộn đều các nguyên liệu.
Bước 3: Trộn gỏi
- Cho sứa, xoài, hành tây, quất vào bát tô. Rưới bát nước mắm vừa pha lên trên rồi dùng đũa trộn nhẹ để các nguyên liệu ngấm sốt. Thêm vài quả cóc hoặc xoài non để món ăn thêm tròn vị nhé.
Thành phẩmGắp gỏi ra đĩa rồi rắc thêm chút lạc rang, rau mùi lên trên. Món nộm sứa sốt Thái này rất đậm vị. Sứa giòn thanh mát quyện cùng chút chua của xoài xanh, thơm của nước mắm, ngọt từ đường, cay cay từ ớt tươi, giòn hơi hăng của hành tây hòa quyện tạo thành tổ hợp cực phẩm.
Bạn có thể ăn gỏi sứa sốt Thái với bánh đa hoặc phồng tôm cũng rất ngon đấy.
8. Thanh mát gỏi sứa đỏ Hải PhòngNhắc đến những món ăn ngon ngày hè thì chắc hẳn không thể bỏ qua nộm sứa đỏ. Hương vị thanh mát, giòn sần sật của sứa đỏ kết hợp với rau thơm, chút cùi dừa chấm cùng mắm tôm sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Gỏi sứa đỏ cần gì?- Sứa đỏ: 500g
- Cơm rượu nếp: 75g
- Cà chua: 250g
- Dừa nạo sợi: 50g
- Bột năng: 50g
- Lạc rang: 50g
- Ớt tươi thái lát: 2 quả
- Tỏi băm: 1 thìa
- Chanh tươi: 1 quả
- Giấm ăn: 2.5 thìa
- Mắm tôm: 1 thìa
- Bột nêm: 2 thìa
- Dầu ăn: 1 thìa
- Đường, muối, mì chính
- Rau thơm: Tía tô, kinh giới…
Hướng dẫn làm gỏi sứa đỏBước 1: Sơ chế
- Sứa đỏ mua về bạn cạo sạch nhớt rồi cho vào nồi nước lá đinh lăng đun sôi thì tắt bếp. Ngâm sứa khoảng 4 - 5 ngày là dùng được.
- Bạn lấy con sứa ra rồi rửa lại với chanh hoặc giấm ăn cùng nước lọc để khử sạch mùi tanh của sứa. Cắt sứa thành miếng vừa ăn.
- Cà chua rửa sạch, thái miếng. Rau thơm rửa sạch để ráo.
- Cho bột năng vào bát, thêm nước lọc hòa tan.
- Mắm tôm cho ra bát rồi thêm ⅓ thìa mì chính, 2 thìa đường, ½ quả chanh vào đánh đều để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
Bước 2: Làm bỗng
Bỗng chính là linh hồn của món gỏi sứa đỏ này.
- Bắc nồi lên bếp rồi thêm vào đây 1 thìa mỡ hoặc dầu ăn sau đó cho tỏi cùng ớt vào phi thơm.
- Tiếp đến, bạn cho cà chua đã thái miếng ở bước 1 vào xào cho chín mềm.
- Khi cà chua được, bạn đổ vào đây chừng 1 lít nước lọc. Nồi nước sôi, trút cơm rượu nếp vào và nêm 5 thìa giấm, 2 thìa hạt nêm, ⅓ thìa mì chính vào.
- Đảo đều để gia vị tan ra sau đó cho phần bột năng đã pha vào. Dùng đũa khuấy đều để hỗn hợp sánh sệt, tránh tình trạng vón cục.
- Nồi bỗng sôi trở lại, ta bỏ dừa sợi cùng lạc rang vào là xong.
Bước 3: Hoàn thành
- Xếp phần sứa đã thái cùng rau sống ra đĩa. Nhớ chuẩn bị 1 chút cùi dừa thái miếng để món ăn tròn vị hơn.
- Múc nước bỗng vừa chế biến ở bước 2 ra bát và thưởng thức.
Sứa đỏ thanh mát, giòn dai sần sật gói trong rau thơm, cùi dừa, chấm ngập trong bát nước bỗng chua chua, cay cay rồi chấm thêm 1 lần mắm tôm nữa thì quả thực là cực phẩm mùa hè.
Mẹo làm gỏi sứa giòn ngon không bị tanh, ra nước- Để gỏi sứa không bị ra nước, sau khi sơ chế sứa xong, ngâm sứa vào bát nước ấm có pha chút giấm ăn rồi vớt ra để ráo nước. Dùng 1 cái khăn khô vắt sạch nước còn đọng lại trong sứa. Làm vậy khi ướp gỏi sứa ít ra nước hơn và cũng giòn hơn.
- Sứa cũng là một loại thực phẩm có mùi tanh vì thế nếu không sơ chế cẩn thận sẽ khiến món ăn mất đi vị thơm ngon. Để khử sạch mùi của sứa, bạn cần bóp sứa cùng với nước cốt chanh và muối hạt sau đó rửa lại với nước nhé.
Ngoài ra, bạn đừng bỏ qua bước chần sứa với nước sôi. Thao tác này vừa là để khử đi lớp nhớt bên ngoài vừa giúp sứa giòn không bị nhũn.
- Hãy ngâm sứa trong nước đá chừng 5 - 10 phút để sứa trắng và giữ được độ giòn ngon khi làm gỏi nhé.
- Hầu hết các món gỏi đều rất dễ bị ra nước, điều này sẽ khiến cho sứa và các loại nguyên liệu đi kèm bị ỉu, không giữ được độ giòn ngon. Có một cách để khắc phục điều này là bạn nên pha nước mắm trộn gỏi thật đặc.
Quá trình trộn tuyệt đối không cho giấm hoặc chanh và muối vào. Bạn chỉ thêm các loại nguyên liệu này vào bước cuối. Nếu có thể hãy ưu tiên dùng chanh tươi, hạn chế dùng giấm vì giấm sẽ khiến gỏi dễ ra nước đồng thời không có mùi thơm đặc trưng.
Gỏi sứa bao nhiêu calo? Ăn có tốt không?Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, trong các món gỏi sứa, hàm lượng calo sẽ dao động trong khoảng từ 200 - 300 calo tùy vào từng cách chế biến cụ thể.
Món ăn này được đánh giá là khá tốt với cơ thể bởi sứa cung cấp các dưỡng chất thiết yếu như:
- Selen hỗ trợ trao đổi chất tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và Alzheimer.
- Các choline trong sứa sẽ hỗ trợ cải thiện hoạt động của não bộ, giảm tình trạng lo âu và hỗ trợ chuyển hóa chất béo.
- Bổ sung lượng collagen còn thiếu trong cơ thể. Bảo vệ da khỏi các tác nhân gây lão hóa, cải thiện sức khỏe hệ xương khớp.
Theo Đông Y, sứa biển có tác dụng nhuận gan, phổi, tiêu đờm, chống ho, nhuận tràng và thanh nhiệt rất tốt cho sức khỏe. Sứa biển có thể chế biến thành nhiều món ngon như ăn lẩu, nấu canh và đặc biệt là làm gỏi.
Mặc dù vậy, sứa vẫn là loài thực phẩm không quá an toàn. Nhất là với món gỏi sứa, bạn cần sơ chế thật cẩn thận và đừng quên tìm hiểu xem mình có nên ăn hay không nhé.
Các bác sĩ đã khuyến cáo một số nhóm người không nên ăn món gỏi này.
- Người bị dị ứng với các loại hải sản.
- Bệnh nhân vừa ốm dậy.
- Người mắc các chứng suy nhược cơ thể.
- Trẻ em dưới 10 tuổi.
- Người đã từng bị ngộ độc thực phẩm.
Cách làm gỏi sứa hay nộm sứa ở miền Bắc, Trung hay Nam đều có các bước làm cơ bản. Các loại rau làm gỏi tùy vùng miền sẽ có sự thay đổi. Mong rằng, công thức làm gỏi sứa mà Bếp Eva vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn có được món ngon mùa hè thanh mát chiêu đãi cả nhà.
Nguồn: