Bận bịu công việc nhưng ngày nào chị Nguyễn Hằng (36 tuổi, Hải Phòng) cũng vào bếp nấu ăn cho gia đình. Chị tâm sự, tự nấu và ăn ở nhà thường xuyên vừa tiết kiệm lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, nấu ăn cũng là một trong những sở thích riêng của bà mẹ đảm nên chưa khi nào chị cảm phiền phức về điều này.
Để có thể trưởng thành và biết nấu nhiều món như hiện tại, theo chị Hằng, người truyền cảm hứng chính là bố mẹ chị. "Mình sinh ra ở nông thôn, miền trung du Bắc Bộ, nên các món ăn bố mẹ mình nấu thường giản dị, dân dã thôi, nhưng rất ngon và có hương vị đặc trưng riêng của nhà mình. Mà bây giờ mỗi khi nấu lại những món ăn ấy, thì ảnh mâm cơm gia đình mình từ thuở ấu thơ còn được ở với bố mẹ lại ùa về trong ký ức của mình", 8X bồi hồi nhớ lại.
Chị Hằng hạnh phúc bên mâm cơm gia đình cùng chồng và 2 con.
Hàng ngày chị Hằng sẽ vào bếp nấu cho gia đình nhỏ có 4 người ăn, hai vợ chồng và 2 con chị (bé trai lớn 9 tuổi, bé gái nhỏ 7 tuổi). Do chị và ông xã đều làm hành chính, tan ca lại đón các con đi học về nên thời gian vô cùng eo hẹp. Chính vì thế, các món ăn chị nấu thường đơn giản, chỉ khoảng 30-45 phút là xong.
Chị Hằng chia sẻ, gia đình chị thuê nhà ở giữa Trung tâm thành phố nên mọi chi phí như nhà trọ, sinh hoạt, ăn uống,… đều khá tốn kém. Do đó các khoản chi tiêu chị đều tính toán kỹ và tiết kiệm. Điện, nước, gạo, gia vị thì chị chi cố định theo hàng tháng. Còn tiền thức ăn hàng ngày cho một bữa tối chị thường chi khoảng 100.000 đồng, bao gồm: Rau xanh khoảng 10.000 đồng, hoa quả tráng miệng dao động khoảng 20.000 đồng, thức ăn mặn khoảng 70.000 đồng.
Do việc ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi thành viên trong gia đình, nên chị rất cẩn thận trong việc lên thực đơn nấu ăn cho gia đình hàng ngày. "Mình thường đi chợ vào lúc 6h00 sáng, vì thức ăn sẽ tươi ngon hơn ở chợ chiều. Mình ưu tiên mua thực phẩm sạch của người bán uy tín và mình tin tưởng để biết rõ nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Giá cả có đắt hơn chút xíu nhưng an toàn cho sức khỏe", chị Hằng kể.
Hàng tuần chị Hằng đều lên thực đơn cho cả tuần để mỗi lần đến bữa nấu không cần phải nghĩ hôm nay nấu gì. Một bữa ăn của bà mẹ 2 con lúc nào cũng đầy đủ 3 nhóm thực phẩm chính (tinh bột, chất xơ và protein). Từng nhóm thực phẩm trong tuần chị cũng kết hợp luân phiên để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cả nhà.
"Mình ví dụ thực đơn cho 1 tuần của nhà mình như sau:
Thứ hai: Cơm trắng, canh cua cà, trứng rán, cá trắm kho (mình kho từ hôm Chủ nhật được nghỉ ở nhà), tráng miệng dưa hấu.
Thứ ba: Cơm trắng, bê xào cần tỏi, đậu rán, quả đỗ luộc, canh là nước đỗ đánh dấm cà chua, thả hành hoa và rau mùi, tráng miệng thanh long.
Thứ Tư: Cơm trắng, thịt ba chỉ kho trứng cút, ngũ củ sum vầy chấm vừng (su su, cà rốt, củ cải, đậu bắp, súp lơ), canh là nước đỗ đánh dấm cà chua, thả hành hoa và rau mùi, tráng miệng xoài.
Thứ Năm: Cơm trắng, gà luộc, rau cải xào lòng gà, tráng miệng cam.
Thứ Sáu: Cơm trắng, cá quả nấu canh chua rau dày, tráng miệng táo.
Thứ Bảy: Cơm trắng, ngan luộc, rau thơm, canh khoai sọ - rau rút nấu với nước luộc ngan, tráng miệng bưởi.
Chủ nhật: Cơm trắng, tôm luộc, đậu sốt cà chua, bắp cải luộc, tráng miệng chuối", 8X chia sẻ thực đơn gia đình mình.
Chị cũng cho biết, các thành viên trong nhà đều dễ tính trong việc ăn uống, thích ăn thanh đạm, nên các bữa ăn 8X chỉ làm phong phú thực đơn bằng việc thay đổi nguyên liệu thức ăn, còn việc chế biến không quá cầu kỳ. Chị thường ưu tiên hấp, luộc, kho để đảm bảo lượng dinh dưỡng còn nhiều nhất có thể trong thức ăn, tránh bị mất đi trong quá trình chế biến.
Để chồng và 2 con không bị ngán mỗi lần vào bữa ăn, chị Hằng thường xuyên thay đổi thực đơn, các bữa ăn trong mỗi tuần đều khác nhau và không tuần nào giống tuần nào. Cùng một loại thực phẩm, mỗi lần đến lượt nó, chị lại chế biến khác đi. Chẳng hạn như thịt gà, tuần này luộc, tuần sau chị sẽ rang gừng, tuần sau nữa 8X hầm thuốc bắc. Thi thoảng chị cũng rán theo kiểu KFC cho các con thích thú hơn.
Ngoài những bữa cơm gia đình, vào thứ 7, Chủ nhật được ở nhà, có nhiều thời gian hơn, bà mẹ đảm thường làm một số món cầu kỳ hơn cho gia đình thay đổi khẩu vị như bún riêu cua, bún chả nem, bún chả thịt nướng, miến gà, sushi cá hồi, pizza,…
Bà mẹ 2 con chia sẻ, bản thân lúc nào cũng có quan niệm "Ngon mắt trước, ngon miệng sau", nên khi nấu ăn, chị thường muốn trình bày cho hấp dẫn, hút mắt. Nhờ đó, khi các thành viên trong gia đình ăn cơm chị nấu thường bảo "Không nỡ gắp vì món ăn đẹp quá". Khi ăn rồi thì chồng con chị lai nói, "Mẹ nấu ngon như đầu bếp 5 sao thượng hạng”. Chị tự nhận bản thân cảm nhận chồng con đang động viện mình thôi nhưng đổi lại, chị luôn thấy ấm lòng vì điều này.
"Theo mình bữa cơm gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, nó gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Nên dù sau này kinh tế vợ chồng mình có khá hơn, mình cũng vẫn duy trì các bữa ăn gia đình hàng ngày tại nhà như bây giờ. Mình là bếp trưởng gia đình (danh hiệu chồng con phong cho mình đó, nghe cũng oách xà lách ra phết) nhưng mình không nấu ăn một mình đâu. Mình giao nhiệm vụ cho các thành viên còn lại trong gia đình (chồng và hai con mình) hỗ trợ mình những việc như: cắm cơm, nhặt rau, sơ chế thức ăn, dọn bát đĩa chuẩn bị đồ dùng trước bữa ăn. Sau bữa ăn thì mỗi thành viên trong gia đình đều cùng có trách nhiệm thu dọn, rửa bát, lau dọn bếp", chị Hằng bật mí.
Chính những trải nghiệm cùng nhau từ lúc nấu ăn, đến dọn cơm, rồi cùng thưởng thức các món ăn, cùng trò chuyện vui vẻ trong bữa ăn, cùng nhau dọn dẹp sau bữa ăn, sẽ là những kỷ niệm, những ký ức đẹp không phai trong lòng mỗi thành viên trong gia đình chị Hằng. "Hương vị của những món ăn tự nấu, không khí vui vẻ hạnh phúc của bữa ăn gia đình sẽ luôn nhắc nhớ mỗi thành viên nhớ về gia đình khi xa nhà", bà mẹ 2 con khẳng định.