Cơm gà biến tấu
Ở quán 2000 trên Ban Mê Thuột, cơm gà được nhuộm hồng, miếng gà được chiên vàng. Cơm gà lừng danh Hai Chùa ở Nha Trang thì gà được xối mỡ, mỗi đĩa đúng 1/4 con, ăn kèm xà lách, cà chua và hành tây. Cơm gà ở Phan Thiết lại là đĩa cơm có một ít thịt gà đã xé nhỏ bỏ lên trên. Ở Phan Rang có một quán cơm gà độc đáo trên đường Thống Nhất, khi khách vào gọi cơm thì mang ra đĩa gà luộc nguyên con, chặt thành tám miếng, mỗi miếng 7.000 đồng. Gà ở đây chấm với muối tiêu và cả nước mắm gừng.
Mực, cá
Tại quán Cửu Long ở Tuy Hoà, cá thác lác được chiên sau khi băm, còn ở quán Cầu Dứa, Nha Trang cá được cuốn lá lốt. Món cá thác lác chiên cơm cháy hoặc hành cũng chẳng đâu giống đâu. Mực chiên giòn đúng ra để nguyên con thả vào chảo mỡ đang sôi, chờ chín cong thì dọn ra, xé từng sợi chấm tương ớt. Nhưng nhiều nơi lại xắt miếng nhỏ ra chiên. Tại nhà hàng Cà Ty ở Phan Thiết, món này trở thành “mực tẩm bột chiên ròn” ăn kèm rau.
Bún với mì phá cách
Sự phá cách của bún là khôn cùng. Nếu bún riêu trên lề đường Buôn Ma Thuột không hề có riêu cua mà chỉ có trứng (giả làm cua) ăn với rau ghém thì ở Phan Thiết, nó lại có thêm chả lụa, giò và cả huyết heo, kèm theo giá, sà lách, ngổ và rau chuối. Đến Quảng Ngãi ăn tô bún luôn được kèm theo chiếc bánh tráng nướng. Cách bóp vụn bánh tráng trộn vào tô bún hình như chỉ có ở vùng này.
Đa số hình dung sợi mì Quảng màu vàng, nhưng chính quê Tam Kỳ, sợi mì lại màu trắng. Các quán mì Quảng Tam Kỳ chỉ bỏ vào tô mì duy nhất một thứ thịt lợn nạc luộc, ở Nha Trang lại có chả cá và trứng cút. Riêng tô mì Quảng ở sông Vệ lại tổng hợp 5 màu khác nhau, nước lèo đặc sệt đầy tóp mỡ giòn, chả lụa, thịt luộc, lạp xường...