Thứ bánh này thường nằm trong những chiếc tủ kính với dòng quảng cáo “ bánh tiêu Sài Gòn”, mới nhìn thôi đã biết đó là bánh gì, xuất xứ từ đâu. Nhưng hương vị của nó thì phải thưởng thức mới biết được.
Bánh tiêu được bán nhiều cho học sinh, sinh viên ăn tạm chống đói những lúc tan trường, là thứ quà vặt rẻ, nhưng khá ngon. Trước cổng nhiều trường học hay những ngõ hẻm ta đều có thể bắt gặp tiếng rao “Ai bánh tiêu sài gòn đê”, khiến nhiều người tò mò về loại bánh mới này.
Trên phố Xuân Thủy, chị Hương (Thanh Hóa), chủ của một tủ bánh tiêu vừa bán hàng vừa kể cho khách về việc chuyển "nghề" này. Chị cho biết ngày trước chị cũng đi bán bánh mì, sau thấy thứ bánh này là lạ, ăn cũng được nên chị bán thêm, sau rồi thấy đắt hàng nên chị chuyển hẳn sang bán bánh tiêu.
Bánh tiêu dân dã, đơn giản nhưng rất sang trọng và bắt mắt. Theo chị Hương, nguyên liệu chế biến đơn giản, gồm có bột mì, bột nở, đường, muối, mè trắng rang vàng, một chút vani. Hòa nước ấm với đường và một chút muối, va ni. Trộn lẫn bột mì với bột nở. Sau đó đổ từ từ nước đường nóng vào bột tạo thành hỗn hợp bột mịn, dẻo quánh, sau đó dùng tay nhào kỹ bột. Ủ bột khoảng 2-3 giờ cho bột nở.
Tiếp đó chia bột ra thành những phần nhỏ bằng nhau. Để lên thớt hoặc mâm, lăn qua một lớp vừng phía ngoài rồi cán mỏng bột cho dẹt như chiếc bánh rán, nhưng to hơn một chút. Cuối cùng là thả bánh vào chảo rán. Để lửa vừa phải để bánh chín vàng đều và phồng lên. Bánh chín thì vớt ra để lên giấy thấm dầu cho ráo mỡ.
Từng chiếc bánh ra lò vàng ươm hấp dẫn, bánh mềm từ bột, thơm từ vừng, vani cùng với bị beo béo của dầu thấm vào bên trong lẫn bên ngoài. Bánh tiêu ăn nóng hay nguội đều ngon. Những sáng se lạnh, chỉ cần chiếc bánh tiêu với ly trà nóng là ấm bụng.
Người Sài Gòn khi ăn bánh tiêu còn kẹp thêm giò, chả hay kem vào giữa bánh, còn người Hà Nội chỉ dùng tay xé từng miếng bánh tiêu để thưởng thức.
Phương Lam
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.