Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Hòa Đa là vùng quê thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách thị xã Tuy Hòa 15 km về phía Bắc. Độ dẻo của bánh tráng Hòa Đa chủ yếu do khâu chọn và ngâm gạo chứ không pha thêm bột sắn như bánh tráng một số vùng khác.
Công việc của một ngày tráng bánh bắt đầu từ khâu chọn gạo để ngâm mềm trong 3-4 giờ, xay bột, rồi rộng bột tách nước chua trong gạo và cũng để bột tạo thêm độ kết dính. Sau đó, căng tấm khuôn vải lên nồi nước sôi, pha bột, tráng-vớt-phơi bánh… Những vỉ bánh phơi thành từng dãy đều tăm tắp trong nắng, nếu trời nắng già, chỉ khoảng nửa giờ là bánh khô, có thể gỡ bánh đem ép phẳng, rồi xếp thành từng chục, từng cách (60 cái) để chờ bạn hàng đến lấy.
Giá tại lò bánh Hòa Đa: bánh cuốn (mỏng) là 2.500 đồng/chục, bánh nướng (dày) là 3.000 đồng/chục và bánh mè là 5.000 đồng/chục. Có khi bột tráng bánh còn được trộn thêm nước cốt dừa, hành củ,… nên chiếc bánh khi nướng lên dậy mùi thơm phức.
Bánh tráng thơm mùi gạo và nắng của khí chất đồng quê có thể ăn với vài trăm món, riêng có khoảng vài chục món mà không có bánh tráng thì kể như… chưa đúng phép. Bánh tráng nhúng cuốn với thịt luộc nóng hổi hay nem chả kèm rau sống, thêm vài miếng bánh nướng nữa thì càng hay; nếu không có thể cuốn với cá hấp, tôm chiên, mực luộc...
Nước chấm với bánh tráng cuốn thì có mắm nhĩ, mắm nêm, mắm thu, mắm mực, mắm ruốc và kể cả mắm… chuột, nếu chế biến khéo, đầy đủ gia vị. Còn bánh tráng nướng ăn với các món gỏi, xào, nộm thì rất ngon.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)