Một mẩu đường phên, thứ đường thô sơ mầu nâu sồng như đất Mẹ, như áo vải, mà cho vào miệng thấy gợn như sạn rồi mới chịu tan, làm nên vị ngọt ngào của nhân bánh trôi. Không thể thay bất cứ một thứ đường nào khác, dù đường phèn hay đường kính viên. Bởi vị ngọt của mật mía thô sơ và giản dị đã ngấm vào hồn cốt của bánh trôi mất rồi.
Còn bánh chay thì cầu kỳ hơn một chút. Đậu xanh xay vỡ, ngâm cho những hạt đỗ lóc hết vỏ, rồi đồ chín, giã nhuyễn cùng với đường kính trắng. Có nhà còn cầu kỳ hơn, cho thêm vài sợi dừa nạo.
Bây giờ thì hàng chè nào trên phố hay gánh rong cũng đều có bán bánh trôi bánh chay. Thế nhưng người dưới quê vẫn thích tự làm lấy hai món quà này. Ngâm gạo từ đêm hôm trước, thứ nếp cái hoa vàng óng ả. Rồi xay. Bột bánh phải xay bột nước, nghĩa là vừa xay vừa thêm chút nước mưa trong veo. Bột nước treo lên cho đến khi bớt nước. Dỡ miếng bột ra mâm phải trắng tinh, mặt bột phải mịn như lụa mộc. Sau đó là công đoạn nặn bánh. Gói lớp nhân đơn sơ trong lần áo bột cũng đơn sơ ấy rồi thả vào nồi nước đang sôi chờ sẵn. Bánh nổi lên là chín. Vớt ra nhớ thả ngay vào chậu nước lạnh, không thì bánh vỡ nước, nhoe nhoét.
Chừng chục viên bánh trôi xếp chung trên chiếc đĩa đàn. Ba viên bánh chay một bát chiết yêu. Rưới thứ nước đường phèn ngọt mát lên bát bánh chay, thả thêm vài hạt đỗ xanh đồ chín như những hoa cau rụng xuống giếng vàng cơn mưa đêm qua. Thêm chút nước hoa bưởi thoảng thơm. Một mâm bánh trôi bánh chay thanh tịnh như vậy cố kiếm để dâng cúng ông bà tổ tiên ngày mùng ba tháng ba âm lịch.
(Theo Sành Điệu)