Bánh xèo Nam Vang. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Cũng bột gạo, nước cốt dừa, tôm thịt nhưng cái hấp dẫn của bánh xèo Nam Vang là nhờ sự góp mặt của măng tươi trong nhân bánh và món lá lốt ăn kèm.
Chị Thanh, chủ nhà hàng Vườn Thiên Thanh, cũng là một Việt kiều Campuchia, cho biết: Nếu như bánh xèo miền Bắc dùng giá đỗ, củ sắn, khoai môn làm nhân; miền Nam dùng nhân bông điên điển, bông thiên lý, bông so đũa thì bánh xèo Nam Vang sử dụng măng tươi làm nguyên liệu chế biến, mà phải là măng le mới “đúng điệu”.
Một cái bánh xèo Nam Vang “đạt chuẩn” phải to như chiếc đĩa lớn, mình bánh mỏng, vành giòn rụm; trên nền bánh vàng ươm điểm xuyết vài miếng thịt heo trắng nõn, tôm sú đỏ hồng và măng tươi rải thật đều tay.
Từng ấy thứ ngon, nhưng yếu tố làm nên nét riêng cho món bánh xèo Nam Vang lại nằm ở đĩa rau ăn kèm: toàn lá lốt. Không chỉ lạ miệng, lá lốt vốn tính ấm, chống hàn còn là bài thuốc có tác dụng giảm đau, trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu…, rất tốt cho sức khỏe.
Lá lốt có vị nồng nồng, cay cay, hòa quyện cùng vị béo nước dừa có trong vỏ bánh, vị ngọt của măng rừng, cộng hưởng vị mặn mòi của chén nước mắm cá cơm Phú Quốc pha thật khéo… tạo thành món ăn đặc biệt của xứ chùa Tháp.
Thực khách có thể gia giảm số lượng lá lốt ăn kèm để tạo nên hương vị riêng ưa thích. Ngon nhất, vừa ăn nhất là một gắp bánh xèo bọc trong hai chiếc lá lốt. Nếu ăn chưa quen, thích hương thoảng nhẹ thì chỉ dùng một lá; còn muốn cay hơn, nồng hơn thì tùy ý thêm vào dăm ba lá nữa.
Nếu không dùng được lá lốt, hãy yêu cầu một đĩa rau thơm quen thuộc với cải xanh, húng quế, diếp cá, tía tô...
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)