Đầu tiên là vị béo của từng miếng tàu hũ trắng phau, nóng rát lưỡi dưới lớp nước canh và cay nồng mùi xuyên tiêu, mùi ớt hiểm phơi khô. Cắn đôi nửa trái ớt đó để thưởng thức thêm vị ngọt "thoảng" qua rất nhẹ, là lạ của ớt khi ngâm tương. Tất cả các mùi đó "quấn" lấy vị bùi của thịt cá được cắt lát mỏng. Lâu lâu, nhón lấy một miếng su su làm chua trộn dầu mè. Vị ngon, cay "dằn" hẳn xuống bởi vị chua ngọt của trái su su làm chua, ăn cùng với món này. Khác hẳn với cách làm chua của người Việt, món su su làm chua của người Hoa khi thưởng thức cá sủi zhù chỉ hơi giòn và khi dọn ra được trộn thêm tí dầu mè, tạo mùi thơm lạ.
Món lẩu có đầy đủ 4 vị: chua, cay, ngọt và bùi quyện chặt lấy nhau nhưng khác hẳn với món lẩu Thái hay lẩu thập cẩm nấu chua thông thường cũng hiện diện bốn mùi đó. Vị lạ có được nhờ sự pha trộn của nhiều loại gia vị kết hợp lại, đặc biệt là tương và xuyên tiêu (một loại trái có vị cay gần giống như tiêu nhưng gây cảm giác tê tê ở đầu lưỡi).
Giữa cái lạnh se se của những tháng cuối năm, cả nhà quây quần "hâm nóng" bằng nồi canh cá bốc khói. Nhúng thêm tí rau xanh như rau muống, rau cải… cùng dùng với miến hay cơm trắng. Tạm quên đi những mớ lẩu Thái Lan, lẩu thập cẩm… để đổi khẩu vị với món canh lạ này.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)