Nếu uống rượu, người ta thích dùng món rang hoặc rán giòn, còn ăn cơm thường dùng món canh và kho.
Món rô rang không tốn mỡ, còn nguyên chất cá rô. Khi được om kỹ bằng ngọn lửa than hoặc củi lom rom, thịt cá rô chín mất dần nước; cả xương, thịt cá trở nên giòn, bùi, ngậy và thơm phức. Người ta thường chọn loại rô don, dùng niêu đất rang cháy cạnh, còn nóng hổi, chấm với nước mắm gừng, ớt, cho tí chanh chua vào thì thật thú vị.
Món rô rán cũng cần rán kỹ cháy cạnh, ăn lúc còn nóng mới cảm nhận được đầy đủ cái giòn, bùi, ngậy thơm lừng của nó.
Canh cá rô cũng không kém phần hấp dẫn. Người ta luộc cá rồi gỡ lấy xương giã (nghiền) lọc lấy nước ngọt nấu canh còn thịt cá rô xào lên cùng các gia vị gừng giã nhỏ, nước mắm ngon, nấu cùng rau cải xanh là thích hợp nhất. Món canh cá rô nấu rau cải có vị ngọt, thơm rất riêng. So với loại canh cá khác, nấu canh cá rô mất nhiều thì giờ và cầu kỳ hơn, bởi "ngon tốn của, khéo tốn công".
Ngoài món canh, cá rô còn được kho khô, là món rất quen thuộc với nhiều người ở nông thôn. Khi xưa kho cá, người ta phải tự chế lấy kẹo đắng làm bằng thứ đường mía được chưng, cô đặc có mầu nâu mật, khi kho với cá có tác dụng tẩy hết mùi tanh và nhuộm cá có màu đậm đà ưa nhìn, khi ăn có vị ngọt, bùi dịu êm. Cá rô kho với nước mắm, xì dầu hoặc với tương, không quên thái vào đó vài lát gừng cho cá kho thêm hương sắc. Trứng cá rô bùi ngậy, thơm ngon hơn bất kỳ loại trứng cá nào. Không chỉ thơm ngon, cá rô kho còn rất lành có thể dùng nhiều bữa cho phụ nữ thai nghén, sinh nở hoặc người già đau ốm.
Có lẽ từ thực tế, bổ dưỡng đặc biệt của cá rô Tổng Trường mà trong dân gian vùng Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đã từ lâu lưu truyền câu ca: "Đi thì nhớ cậu cùng cô/ Về thì nhớ mãi cá rô Tổng Trường".
(Theo Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống)