Các tỉnh thành ở miền Trung đa phần đều giữ được nền văn hoá làng xã, họ tộc. Những bảng gia phả hơn mười đời tổ tiên là niềm tự hào chung của mỗi người con được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất miền Trung.
Việc thờ phụng ở đây rất được chú trọng, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về, từ bàn cỗ Tết ngập trời màu sắc cho đến những mâm ngũ quả sum xuê luôn chiếm không ít thời gian, tâm huyết và lòng thành, người miền Trung xem đó là cách để biểu hiện tấm lòng thành kính hướng đến tổ tiên.
Gọi là mâm ngũ quả nhưng thông thường người ta luôn bày nhiều hơn năm loại quả. Mâm ngũ quả miền Trung hầu như không kiêng loại quả nào vì tên gọi hay hương vị của chúng, miễn là trên mâm phải có nhiều màu sắc, thông thường là các loại quả đắc tiền được sắp xếp cầu kỳ.
Mâm quả thường được xếp hình tháp hoặc hình long phụng với cặp dưa đặt hai bên. Ngoài ra còn có rất nhiều loại hoa trái của quê hương được xếp bên cạnh.
Chuẩn bị:
- 2 quả dưa hấu
- 2 quả xoài
- 1 quả bưởi
- 1 quả dứa (thơm)
- Táo, lê, cam, mỗi thứ vài quả
- 1 chùm nho to
- Hoa cúc
- 3 cái cốc
Cách làm:
Bước 1: Dưa khắc chữ Vạn sự như ý. Thực tế điều này cũng không bắt buộc vì tùy khả năng của mỗi chị em. Nếu không khắc được bạn có thể để nguyên hai quả dưa hấu rồi thắt nơ đỏ lên cũng rất đẹp.
Bước 2: Dùng khăn giấy lau sạch hoa quả. Cho quả dứa (thơm) vào 2 quả xoài vào 3 chiếc cốc đặt lên giữa mâm.
Bước 3: Đặt quả bưởi trước 3 chiếc cốc, xếp trái cây nhỏ xung quanh để cố định 3 chiếc cốc.
Bước 4: Xếp thêm trái cây lên những tầng trên, nho để phía trên cùng.
Cắm hoa vào những khoảng trống giữa các loại quả.
Thêm dây đèn nhấp nháy cho mâm quả lung linh, bàn thờ sáng rực rỡ nếu thích.
Chúc các bạn thật khéo tay để trang trí mâm ngũ quả độc đáo cho gia đình mình trong ngày Tết!