Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.
Hiện nay, việc cúng ông Công ông Táo vẫn được quan tâm tuy nhiên, do nhiều người có việc bận hoặc ít thời gian với bếp núc cho nên lễ này có thể được đẩy lên trước 1-2 ngày tùy theo gia chủ. Từ ngày 21 tháng Chạp trở đi, những mâm cỗ cúng Táo quân được chị em chia sẻ trên các diễn đàn, hội nhóm nấu ăn với nhiều màu sắc, muôn màu muôn vẻ.
Mâm cỗ cúng Táo quân của Mỹ Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An). Mỹ Ngọc chia sẻ, mâm cỗ này có chi phí hơn 400 nghìn đồng và do tự tay mình làm
Ít bỏ qua các món ăn truyền thống
Theo nhiều chị em, dù cuộc sống ngày càng hiện đại hơn nhưng đây là ngày lễ của dân tộc Việt Nam vì thế không thể bỏ qua các món ăn truyền thống như gà luộc, nem rán, bánh chưng… Những món ăn khác có thể biến tấu cho phù hợp với khẩu vị hoặc điều kiện gia đình nhưng những món này vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Nếu ít có điều kiện hơn có thể thay thế gà bằng một miếng thịt heo luộc… Trong dân gian, người ta vẫn có thể có sự thay đổi này.
Gà luộc vẫn là món truyền thống được nhiều chị em ưu tiên hàng đầu trong mâm cỗ (Ảnh: Mỹ Ngọc)
Chị Hoa Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mình không muốn thay đổi quá nhiều so với phong tục. Mình nghĩ, đã là phong tục thì nên làm theo, hơn nữa nó cũng không tốn nhiều thời gian hay tiền bạc gì cả”.
Còn chị Hoàng Vân (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ, chị thích các món ăn truyền thống, vì nó gợi nhớ đến những ngày nhỏ còn sống với bố mẹ.
Mâm cỗ được trang trí đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của dân tộc trên các món ăn của chị Ngân Hà (Thái Bình, Việt Nam). Mâm cỗ này theo chị Ngân Hà, chi phí khoảng 350.000 đồng cho các món mặn và 200.000 đồng tiền hoa quả.
Mâm cỗ đẹp mắt với nhiều món ăn truyền thống như canh bóng, canh măng móng giò, bánh chưng, nem rán, gà, rau củ xào thập cẩm của chị Trần Hiền Lương (Hà Nội). Chị cho biết, mâm cỗ nhà chị còn có thêm món chim hầm vì gia đình có người ốm
Bên cạnh đó, có nhiều chị em lại hướng tới truyền thống bằng các món ăn chay giản dị nhưng vẫn đầy ý nghĩa.
Mâm cỗ chay truyền thống của chị Ngọc Hà (Hà Nội). Chị Ngọc Hà cho biết, những món chay này chị tự làm nên mâm cỗ của chị cũng chỉ khoảng 100 nghìn đồng
Thêm nhiều món ăn mới
Thời đại internet càng phát triển, tạo cơ hội cho chị em được giao lưu với nhau nhiều hơn. Vì thế, các hội nhóm nấu ăn chính là một không gian ảo nhưng nó đem lại lợi ích thực cho các bà nội trợ yêu nấu nướng.
Thường trong mâm cỗ, người ta dùng xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh, xôi dừa nhưng chị Ngọc Hà (Hà Nội) lại thay bằng xôi tím lá cẩm. Món xôi khiến mâm cỗ chay của chị Hà thêm đẹp mắt
Tại đây, chị em có thể chia sẻ nhiều công thức nấu ăn mới của nhau. Được đưa ra công thức, phản biện, được học hỏi, được rút kinh nghiệm. Dần dần, các món ăn được pha trộn của nhiều phong cách ra đời, đem lại sự hứng thú hơn cho nấu nướng. Chính vì thế, dù là trong mâm cỗ truyền thống thì ngoài các món ăn ít khi thay đổi, chị em vẫn đưa thêm một vài món ăn mới để mâm cỗ thêm phong phú.
Nhiều chị em lựa chọn giò hoa để thay thế giò lụa cho mâm cỗ (Ảnh: Mỹ Ngọc, Nghệ An)
Người Việt xa xứ vẫn cúng ông Táo
Chị Hoàng Anh (27 tuổi), sống và làm việc tại Séc đã lâu. Ngoài việc bán hàng, chị rất yêu thích nấu nướng. Năm nay, chị ra ở riêng vì thế chị cũng làm mâm cơm cúng ông Táo và chia sẻ hình ảnh món ăn của mình trên hội nhóm nấu ăn. Chị Hoàng Anh cho biết, những năm trước, do gia đình có nhiều người nên việc làm mâm cỗ cúng Táo quân do mẹ chị đảm nhiệm. Nhưng hiện tại, khi có gia đình riêng, chị muốn tự tay làm. Dù không sống ở Việt Nam nhưng chị vẫn là người Việt, vẫn muốn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Mâm cơm cúng ông Táo của chị Hoàng Anh
Chị Lâm Anh Đào (45 tuổi), đang sống tại Úc chia sẻ: "Mặc dù xa quê hương từ lúc nhỏ (10 tuổi), nhưng phong tục của người việt thì mình vẫn cố giữ, nhất là những ngày lễ Tết cũng như ngày đưa ông Táo về trời. Mình tâm niệm, truyền thống luôn quan trọng. Hàng năm dù bận rộn cỡ nào thì mình vẫn cố gắng làm mâm cơm đơn giản tiển đưa ông táo về trời. Có thể mâm cơm không phải hầu hết là món ăn Việt nhưng với mình, lòng thành quan trọng hơn cả".
Mâm cỗ nhiều món ăn mới của chị Lâm Anh Đào (Úc)
"Thông thường mình làm thêm món chè kho, canh khổ qua, món thịt kho tàu và thịt đông, nhưng năm nay mình lại đổi mới vời các món thịt chiên và soup gà hy vọng ông Táo về trời tâu với Ngọc Hoàng bếp nhà mình lúc nào cũng có món mới lạ", chị Anh Đào cười, chia sẻ thêm.