Rau muối hay còn được biết đến với tên gọi là rau sam muối. Đây là cây thân thảo có hình dáng gần giống với hoa mười giờ với thân mọc sát dưới đất, lá nhỏ li ti. Nghe tên rau muối nhiều người nghĩ chúng mọc ở dưới biển nhưng thực tế nó là loại cỏ mọc hoang ở các bãi đất trống.
Loại rau này có ở rất nhiều địa phương như khu vực Cần Giờ, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Bạc Liêu, Thái Bình… Sở dĩ nó có tên là rau muối vì khi ăn cây này có vị mặn và hơi chát. Trước kia, rau muối được dùng làm thức ăn cho lợn, phần ngọn và lá non đôi khi sẽ được đem chế biến món ăn, phổ biến nhất là rau muối trộn.
Ở Việt Nam, cây rau muối không được bán rộng rãi như nhiều loại rau dại khác và chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, ở nước ngoài cây rau muối này được xếp vào danh sách các loại rau chịu mặn và có tên gọi chung là Halophytes.
Theo thông tin được đăng tải trên báo Nông nghiệp, Halophytes được con người sử dụng trong nhiều thế kỷ. Nó không chỉ bổ sung dinh dưỡng, làm thức ăn cho gia súc mà còn làm nhiên liệu sinh học.
Tại châu Âu, các cây rau chịu mặn được sử dụng rộng rãi, chúng có thể được bán với mức giá từ 20 - 30 euro/kg (tương đương 520.000đ - 800.000đ/kg) tại các cửa hàng bán lẻ. Nước ngoài đắt đỏ là thế nhưng ở Việt Nam, giá của rau muối biển chỉ ở mức 20.000đ - 30.000đ/kg.
Rau muối khi ăn sống thấy rõ vị mặn, nhai kỹ có thêm chút chát và hơi khé cổ. Khi chế biến các món từ rau muối bạn không cần nêm mắm, gia vị bởi bản thân chúng đã đủ đậm đà. Nhiều người cho biết, họ thích ăn rau muối bởi vì nó là một phần ký ức tuổi thơ và chúng có hương vị mà không một loại rau nào có được.
Trong bài viết này, Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn cách làm rau muối nộm ngon chuẩn vị mà cực đơn giản, ai cũng làm được.
RAU MUỐI NỘM Nguyên liệu- Rau muối.
- Lạc rang.
- Đường.
- Chanh.
- Tỏi, ớt.
Cách làm nộm rau muối1. Rau muối mua về bạn nhặt lấy phần ngọn non sau đó đem rửa thật sạch và vớt ra rổ cho thật ráo nước.
2. Lạc đem rang chín sau đó giã dập. Lưu ý không nên giã lạc quá nhuyễn vì như thế sẽ làm mất đi độ thơm bùi vốn có của loại hạt này. Tỏi và ớt tươi đem băm nhỏ hoặc giã cho thật nhuyễn.
3. Đặt nồi nước lên bếp đun sôi rồi cho rau muối đã rửa sạch vào luộc chín. Kiểm tra thấy rau chín, bạn vớt rau ra rổ để cho nguội.
Dùng tay vắt bớt nước trong rau sau đó rũ thật tơi ra. Chú ý, không nên dùng lực quá mạnh dễ khiến cho rau bị nát, mất đi độ giòn ngon.
4. Sau khi đã chuẩn bị xong, bạn cho phần rau muối ra đĩa và thêm nước cốt chanh, chút đường, tỏi cùng ớt băm rồi trộn thật đều lên.
Gia giảm cho vừa miệng thì thêm lạc đã giã dập vào, trộn đều tay là hoàn thành.
Khác với các loại rau thông thường, do rau muối có vị mặn tự nhiên vì thế bạn không cần phải nêm muối, bột canh hay nước mắm. Cân đối lượng nước cốt chanh, tỏi ớt cùng đường để rau trộn có vị hài hòa, thơm ngon.
Rau chín giòn sần sần, vị mặn tự nhiên rất đặc trưng thêm chút cay của ớt, thơm của tỏi và béo bùi của lạc rang, tất cả hòa quyện tạo nên một món ngon khó cưỡng.
Món này tuy dễ làm, nguyên liệu cũng không cầu kỳ tôm thịt nhưng hương vị lại tuyệt ngon khiến người ăn 1 lần nhớ mãi không quên.
Nguồn: