Phở là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam. Rất nhiều bạn bè, du khách nước ngoài đã trở thành "fan cứng" của phở Việt sau khi thưởng thức nó lần đầu. Không chỉ người Việt say mê mà người dân nhiều nước trên thế giới yêu thích, phở đã có ngày dành riêng cho nó vào 12-12 hàng năm (bắt đầu từ 2018).
Để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, sắp tới ban tổ chức "Ngày của Phở 12 - 12" sẽ đưa sự kiện này ra nước ngoài thông qua Lễ hội Phở Việt Nam 2023 ở Tokyo, Nhật Bản.
Cũng trong thời gian này, sau khi thành công tại chương trình Đạp Gió, Chi Pu cũng đã quyết định mở một nhà hàng phở Việt Nam tại Thượng Hải, Trung Quốc. Cô từng chia sẻ trên livestream, "Mình thích ăn ngon, mình yêu các món ăn ngon trên khắp mọi miền thế giới. Khi đến Trung Quốc, mình được ăn rất nhiều món ngon tại đây và cũng muốn giới thiệu cho người Trung về ẩm thực Việt Nam".
Chi Pu mở nhà hàng phở tại Trung Quốc (Ảnh: FC Chi Pu).
Có thể thấy, Phở Việt Nam luôn là món ăn tiêu biểu mà người Việt muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chắc chắn đây sẽ là món ăn sẽ làm nên chuyện dù nó ở bất cứ nơi nào, chỉ cần giữ được hương vị truyền thống.
Thực tế, cách nấu phở Việt Nam không khó, các bạn có thể tham khảo công thức dưới đây:
Chuẩn bị:
- 400g thịt thăn bò hoặc bắp bò.
- Xương bò: 2 kg.
- Bánh phở: 1kg.
- Rễ cây ngò gai (rau mùi): 1 nắm.
- Hành tây: 2 củ.
- Mía: 2 khúc (mỗi lóng dài khoảng 10 cm)
- Gia vị: Bột ngọt, mắm, muối, đường, tiêu, dầu ăn, tương ớt, quế khô, hoa hồi, thảo quả, gừng tươi, hành tím, hạt mùi...
- Rau thơm: Hành lá, húng lủi hoặc bạn có thể ăn thêm húng chó, rau mùi tùy theo sở thích …
Cách nấu phở bò ngon:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Xương bò nhờ người bán chặt khúc rồi mang về rửa sạch.
- Hành tây, hành tím, gừng, mía để nguyên vỏ nướng cho thơm lên. Sau đó cạo sạch vỏ gừng và bóc bỏ vỏ hành tây, rửa sạch để ráo. Cắt lát gừng, hành tây bổ đôi để riêng.
- Mía sau khi nước róc vỏ chẻ miếng để riêng.
- Nhặt hành lá, rau húng rửa sạch ngâm với nước muối loãng. Cắt đầu trắng hành lá, chẻ nhỏ để riêng. Phần hành lá xanh + rau húng thái nhỏ.
- Rang hoa hồi, quế, thảo quả, hạt mùi ở lửa nhỏ đến khi có mùi thơm rồi cho vào túi vải buộc lại cho chặt.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Xương bò sau khi rửa thì đem ngâm trong hỗn hợp nước gừng + muối + nước cốt chanh khoảng 4 - 6 tiếng.
- Bạn đun 1 nồi nước lớn, thêm vào đây gừng giã nhỏ, rượu gạo. Nước sôi, nhúng phần xương bò vào và cho ra chậu lớn. Xả nước sạch để rửa xương.
- Sau bước này bạn sẽ thấy trên bề mặt xương có các đường gân máu nổi lên. Lúc đó, hãy dùng dao băm nhẹ lên chúng rồi đem rửa sạch với nước. Thao tác này sẽ giúp cho nước dùng của bạn trong và không bị nổi bọt.
- Cho xương bò vừa sơ chế xong vào nồi lớn, thêm nước ngập mặt xương rồi cho hành tây, gừng nướng, mía, rễ rau mùi, túi vải gia vị vào.
- Đậy nắp đun nồi nước xương tới khi sôi thì mở nắp ra và hớt hết phần bọt ở bên trên. Việc làm này sẽ giúp nước phở của bạn trong và ngọt thơm hơn.
Chú ý, để nồi nước dùng phở không bị mùi quá nồng, khi bạn ngửi thấy mùi thơm thì phải vớt túi gia vị ngay. Nêm nếm bột canh, hạt nêm sao cho vừa ăn.
- Hầm xương khoảng 6-8 để nước dùng ngon và đậm vị. Nếu không có thời gian bạn có thể ninh nước hầm xương bò trong 4 tiếng.
Bước 3: Hoàn thiện
- Thịt bò rửa sạch rồi thái thành lát mỏng. Nếu là thịt thăn bạn có thể dùng sống dao dần miếng thịt ra còn nếu không thích hay để nguyên miếng.
- Lấy một phần phở vừa đủ cho một bát, đem chần trong nồi nước sôi rồi để vào bát tô. Lấy lượng thịt bò vừa đủ nhúng vào nồi nước sôi chần qua rồi xếp lên bát phở. Xúc lấy một ít hành lá và rau húng thái nhỏ lên. Rắc một ít đầu trắng hành lá chẻ mỏng. Sau đó múc nước dùng rưới lên rồi thưởng thức.
Khi ăn phở, bạn có thể thưởng thức phở với giấm tỏi, tương ớt chuyên dùng để ăn phở hoặc chanh, ớt tươi đều rất ngon. Có một số người thích ăn phở kèm với quẩy, nói chung tùy theo sở thích.
Nước phở ngọt ngon, đậm hương vị tự nhiên, thơm phức, bánh phở mềm dai vừa phải, thịt bò mềm ngọt không dai… nên ai ăn cũng thích.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn: