Ngày nay, khi hầu hết giới trẻ sau khi ra trường đều lựa chọn việc lập nghiệp và sinh sống tại các thành phố lớn, ông bà cha mẹ ở quê lại có thêm một thói quen: gửi thực phẩm quê lên cho con cái.
Dù đôi khi biết rằng thành phố phồn hoa nơi con sống chẳng thiếu thứ gì, nhưng những lúc chỉ là chục trứng, con gà, mớ rau… cha mẹ vẫn luôn muốn gửi lên cho con với suy nghĩ giúp con bớt đi phần nào gánh nặng tài chính, lại được ăn những thực phẩm ngon sạch nhất từ quê hương nơi con đã lớn lên.
Hình ảnh những núi thực phẩm quê chứa đựng trong đó bao nhiêu tình mẹ tình cha được đăng tải trên mạng xã hội luôn nhận được hàng nghìn lượt quan tâm, đồng cảm của cư dân mạng. Câu chuyện của cô gái xứ Nghệ - Linh Anh đăng trên mạng xã hội mới đây là một ví dụ.
"Không biết có mẹ nào đi lấy chồng rồi mà giống như mình luôn nhận được lương thực thực phẩm từ ông bà ngoại, bố mẹ ở quê gửi không nhỉ? Thỉnh thoảng 2 - 3 tuần lại nhận được 1 thùng xốp toàn rau, cá, thịt. Trứng gà bố nuôi, cá bà nấu, thịt lợn mẹ mua, thịt gà ông chuẩn bị. Rau luôn được nhặt sẵn. Lần nào gọi điện về bảo thèm vị cá bà kho là y như rằng thùng xốp tiếp theo sẽ có 1 hộp cá kho sẵn.
Lúc chiều ông còn gọi điện hồ hởi khoe: “Cái khúc cá thu bà kho sẵn là cá người ta câu mình mua lại được, đắt nhưng ngon lắm đấy, nhớ ăn sớm không lại hỏng. Còn cả cái hũ ruốc cá kia nữa, chả biết mẹ phải rang rang giã giã bao nhiêu khúc cá mới được từng đấy.
Cuối cùng là con gà ông bảo mai giỗ cụ, gửi cho vợ chồng anh em chúng mày con gà luộc lên ăn cùng cả nhà trong này nhé!".
Những lời Linh Anh tự hào khoe cùng loạt thực phẩm quê túi to túi nhỏ, chẳng cao lương mỹ vị nhưng món nào món nấy tươi rói, xanh sạch khiến nhiều người không khỏi ghen tị.
Những món thực phẩm quê chẳng cao lương vĩ mị nhưng tươi rói, xanh sạch khiến ai cũng ghen tị.
Trò chuyện với Linh Anh, cô gái trẻ cho biết bản thân và ông xã đều sinh năm 1993. Linh Anh quê ở thành phố Vinh, Nghệ An nhưng lên Hà Nội học tập và làm việc được gần 8 năm, sau đó lấy chồng là người Hà Nội.
“Từ lúc mình xa nhà là gia đình đã luôn gửi đồ cho mình rồi, từ rau, cá, thịt, trứng, đậu... cho đến các loại quả như cam, xoài, chanh, khế...Kể cả mắm, muối, mì chính, gia vị, tỏi, ớt, hành…Trước mình còn là sinh viên ở trọ, mẹ không yên tâm về thực phẩm mua bên ngoài nên nhà có gì là đều gửi ra hết cho mình.
Nhà mình không làm nông nghiệp nhưng có 1 mảnh vườn nhỏ sau nhà, ông bà ngoại trồng các loại rau, cà chua, ớt, đậu, dưa chuột... 1 số cây ăn quả như xoài, chanh, khế ở sân trước nhà nên lần nào cũng kèm theo rau gửi đi để cháu ăn cho sạch. Ở nhà thì chẳng dám ăn mà hễ cứ thu hoạch được gì là lại gói gém để gửi, đến bây giờ lấy chồng rồi vẫn vậy nên hai vợ chồng cũng tiết kiệm được kha khá tiền chợ.
Thường trung bình mỗi tuần nếu không có đồ ăn gửi ra thì mình mua thực phẩm cũng mất khoảng 300 – 400 nghìn. Hai vợ chồng ăn một bữa tối bình thường cũng chỉ tầm trên dưới 60 nghìn/bữa”.
Linh Anh và mẹ đẻ.
Xoài vườn nhà ông bà ngoại tự tay hái gửi cho cháu gái ở Hà Nội.
Linh Anh cho biết, lần này mẹ cô gửi 60 quả trứng, 2 con gà, 2 khúc cá thu to đã kho sẵn, 1kg ruốc cá thu, rau, 1 ít thịt lợn và thịt bò tươi sống để chế biến dần, 3 túi lạc rang và 3kg tôm. “Bà mình còn tiếc vì không nhét thêm được ít rau muống vào thùng xốp để gửi đi nốt. Mỗi lần kêu ca thèm gia vị cay mặn của miền trung, bà ngoại mình thường kho sẵn rồi đóng hộp gửi ra. Gửi nhiều đến mức mà thùng xốp giờ chất đống ở nhà, hộp đựng thức ăn đầy tủ.”
Món ruốc cá mà mẹ Linh Anh đã phải tự tay rang rang giã giã không biết bao nhiêu khúc cá. 3 túi lạc rang cũng chỉ xuất phát từ một lời khen "lạc ngon quá!" của cô con gái cưng.
Cứ một tháng gia đình Linh Anh ở quê lại gửi thực phẩm qua đường xe khách khoảng 1 - 2 lần, mỗi lần gửi có thể sử dụng được trung bình 2 tuần. “Đồ tươi sống như tôm, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, số lượng thực phẩm mẹ mình đều chia nhỏ ra để mình dùng tới đâu ăn tới đó, không sợ bị để quá lâu trong tủ lạnh.”
Lấy chồng xa mà vẫn thường xuyên được ăn đồ mẹ mua, ăn thức ăn bà ngoại nấu nướng như ngày thơ bé giống như Linh Anh thật khiến nhiều người vừa cảm động vừa ghen tị.