Những con gà cúng được tạo thế đẹp mắt, độc đáo tại nhà thờ dòng họ Đại tôn Lê Quang (ảnh: Lê Minh/Vietnamnet)
Độc đáo "gà bay" trên cỗ cúng rằm tháng Giêng
Với văn hoá của người Việt, con gà vừa là loại vật nuôi gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Gà cũng là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, ít người biết rằng những con gà cúng được tạo thế đẹp mắt, độc đáo, sẽ góp phần làm cho mâm cỗ thêm phần trang trọng, mang tính nghệ thuật cao.
Thông tin trên tờ Vietnamnet cho hay, trong ngày rằm tháng Giêng, có mặt tại nhà thờ dòng họ Đại tôn Lê Quang (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), mọi người không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ độc đáo của những con gà cúng được tạo thế. Các thế gà dâng cúng chủ yếu gồm gà bay, gà quỳ, gà nằm, gà đứng mình rùa…
Độc đáo nhất có thể kể đến thế gà đang bay đứng trên quả địa cầu. Đây là sản phẩm sáng tạo của ông Lê Quang Lượng, một người dân đam mê làm gà cúng của dòng họ Lê Quang.
Ông Lượng cho biết, để hoàn thành được con gà này cần hơn 3 giờ đồng hồ, trong đó quá trình tạo dáng gà mất hơn nửa thời gian.
“Sau khi gà được tạo thế phải sử dụng nồi chuyên dụng để luộc gà, trong quá trình luộc cần phải căn chỉnh thời gian phù hợp để gà không quá chín, dễ bị nứt sẽ mất thẩm mỹ” - ông Lượng nói.
Ngoài việc chế tác gà thật đẹp, người dân sử dụng nhiều vật liệu như quả cầu, trái dừa hoặc con rùa vàng làm chỗ đứng cho gà để mâm cỗ thêm phần nghệ thuật và phong phú.
Gà đứng trên quả địa cầu độc đáo (ảnh: Lê Minh/Vietnamnet)
Cách đặt gà cúng quay hướng nào?
Trên thực tế, trong những năm gần đây, việc đặt gà thế nào trong mâm lễ cúng đã gây ra nhiều tranh cãi. Người quan niệm rằng đặt gà quay đầu ra để đón những ông quan Hành khiển trong mâm cỗ cúng Tết và đón may mắn đến nhà trong mâm cỗ cúng ngày thường. Còn khi cúng gia tiên thì đặt gà quay đầu vào trong bát hương theo tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên để “chầu” gia tiên. Nhưng cũng có người lại chặt gà ra thành miếng bày đĩa trên mâm cỗ cúng. Vậy thế nào mới là đúng?
Trả lời tờ Phụ nữ Thủ đô về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, việc đặt gà quay ra hay quay vào không có gì quan trọng. Việc quan niệm gà quay vào để tỏ lòng thành kính với tổ tiên là mê tín dị đoan. Từ xa xưa, trong văn hoá thờ cúng thần linh, người ta chỉ cần đặt một miếng thịt trong mâm cỗ cúng là đủ. Khi cuộc sống con người có điều kiện hơn, người ta mới cúng cả con gà.
Vì vậy, tuỳ theo thói quen của mỗi người, đặt gà quay ra hay quay vào đều được. Chúng ta nên tôn trọng cách mà họ thể hiện cái tâm với thần linh, ông bà tổ tiên