Con sông Thương chảy qua vùng Bố Hạ mang đến nhiều loài cá ngon. Người dân nơi đây đã chọn cá nheo, cá chiên, cá ngạnh, cá quả… để làm nên món chả cá bố hạ hấp dẫn thực khách trong mâm cơm ngày Tết.
Cá làm sạch, lọc bỏ xương, thái miếng dày 1cm. |
Làm món chả này, cá phải được lọc bỏ xương, thái vừa phải. Để có món ăn hấp dẫn không thể thiếu các gia vị như riềng, nghệ, mỡ, nước mắm, được sử dụng theo lượng nhất định trở thành “bí quyết” riêng. Những nghệ nhân làm chả cá thành thạo có thể ước chừng được tỷ lệ, không phải đo đếm mà vị rất vừa vặn và ngon. Cũng theo các nghệ nhân, riềng, nghệ giã nhỏ lấy nước. Cứ ba phần nước lấy một phần mẻ và cho mỡ, nước mắm ngon ướp với thịt cá trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
|
Tiếp đó, lấy que tre bánh tẻ chẻ đôi, kẹp cá đầy que, buộc đầu que rồi đem nướng trên than hoa cho vàng đều. Miếng cá vẫn giữ nguyên được vị ngọt vốn có, lại càng thơm ngon, đậm đà thêm bởi những gia vị tẩm ướp đi kèm.
Nhưng như vậy vẫn chưa phải là chả cá. Chả cá phải được rán trong chảo mỡ lép bép đang sôi cho thật vàng, thật thơm mới đúng kiểu. Và thế cũng là chưa đủ để làm nên một món ăn quyến rũ biết bao người. Món ngon đôi khi là nhờ các vị rau ghém đi kèm. Nhắc đến chả cá Bố Hạ không thể không nhắc đến các loại rau thơm như: thì là, hành hoa, rau húng, rau mùi non, hành chẻ.
|
Chả cá phải ăn nóng mới đảm bảo được cả vị và hương. Thịt cá sau khi nướng được cho vào chảo mỡ rán nóng, kèm một số rau gia vị như hành hoa, thì là đặt ngay trên bàn ăn rồi thưởng thức.
Nước chấm kèm theo có thể là mắm tôm ớt vắt chanh đánh sủi bọt hoặc là nước mắm chua ngọt. Ăn cùng với món này còn có bún rối, lạc rang vàng.
Ăn miếng chả cá Bố Hạ thơm mà không ngấy, có vị thơm ngọt của thịt cá và cái thú khi dùng gia vị, rau ghém, nước chấm. Ngày Tết, khi chúng ta đã ngán với các món thịt thì chả cá trở thành món ăn hấp dẫn vô cùng. Vừa ăn vừa nhâm nhi với chút rượu nồng mới thấy hết cái hương vị đặc trưng có một không hai của món ăn này.
Bài và ảnh Ngô Thu Hường