* Bài viết chỉ mang tính tham khảo.
Hàng năm cứ đến ngày 3-3 Âm lịch hàng năm là người người nhà nhà lại chuẩn bị những mâm cỗ đơn giản để cúng Tết Hàn thực. Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Tết Hàn thực có nguồn gốc từ thời Xuân Thu của Trung Quốc nhưng khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không thờ cúng ông Giới Tử Thôi hay kiêng lửa, mà người Việt vẫn nấu nướng bình thường.
Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - "hàn thực" để thể hiện tấm lòng thành kính nhất, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Chính vì thế, ở Việt Nam, Tết Hàn thực còn gọi là Tết bánh trôi, bánh chay.
Năm nay Tết Hàn thực rơi vào ngày Thứ 7, 22/4 Dương lịch, vì thế rất thuận tiện để các gia đình chuẩn bị một mâm lễ đơn giản dâng lên tổ tiên.
Tết Hàn thực cúng những món gì?
Bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi, bánh chay không chỉ đơn giản và ngẫu nhiên đươc lựa chọn để cúng trong ngày Tết Hàn thực. Loại bánh này tượng trưng cho sản vật của một năm và là lời mong cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi việc thuận lợi trôi chảy của người Việt.
Bánh trôi, bánh chay truyền thống.
Bánh trôi, bánh chay được làm từ bột gạo nếp ngon với đường phên. Có hai loại bột gạo nếp để sử dụng làm bánh trôi, bánh chay đó là bột khô và bột ướt. Bột khô là xay máy trực tiếp từ hạt gạo nếp. Còn bột ướt là người ta dùng hạt gạo nếp đã ngâm no nướng, cho vào cối xay với nước cho mọn, rồi lọc lấy phần bột.
Nếu là bột khô thì cần nhào với nước tạo thành khối bột ướt mềm mịn dẻo. Từ các phần bột này sẽ được nặn thành viên nhỏ, nhồi với các viên đường phên cắt nhỏ, vo tròn lại, đem luộc. Phần lớn mọi người đều cho rằng bột nước làm bánh sẽ mềm thơm hơn bánh là bột khô.
Sau khi nặn xong bánh trôi, bạn đun sôi một nồi nước đồng thời chuẩn bị một chậu nước lạnh sạch. Thả bánh vào nồi nước đang đun sôi, khi nào bánh nổi lên là đã chín, nhanh tay vớt ra để vào chậu nước lạnh để bánh nguội và không bị dính nhau. Bánh được xếp ra đĩa, rắc ít vừng trắng rang lên và bày lên ban thờ để cúng.
Còn bánh chay cũng được làm từ bột nếp nhưng không có nhân. Bánh được nặn dẹt như bánh rán sau đó đem luộc chín như bánh trôi rồi cũng thả vào chậu nước lạnh. Tiếp đó, bạn nấu thêm nước đường, thêm ít gừng cùng xíu bột sắn cho hơi sánh một chút rồi múc ra bát, sau đó thả những viên bánh chay vào là xong. Ai thích có thể rắc thêm ít lạc rang cho thơm.
Đó là bánh trôi, bánh chay truyền thống. Sau này, bánh trôi bánh chay còn được biến tấu thành nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau vô cùng đẹp mắt, thú vị.
Lưu ý: Khi bày bánh trôi bánh chay, bạn nên chọn số lẻ như 1 đĩa, 3, 5 hoặc 7 bát.
Hương hoa, mâm ngũ quả
Bên cạnh bánh trôi, bánh chay thì theo các chuyên gia, trên mâm cỗ cúng ngày 3/3 cần chuẩn bị thêm lễ vật như hương, hoa tươi và trầu cau. Hoa tươi bạn nên chọn các loại hoa thường để cúng như hoa cúc, hoa dơn, hoa huệ... Hoa cần tươi và thơm. Số lượng hoa trong lọ cũng là số lẻ, thường sẽ là 3 - 5 bông/lọ.
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị thêm một mâm ngũ quả nhưng không cần quá cầu kỳ. Chỉ cần đó là 5 loại quả theo mùa có màu sắc khác nhau. Đâu là lễ vật thể hiện mong cầu sự đủ đầy, tốt lành đến với gia đình.
Bên cạnh 3 món lễ vật trên, bạn cũng nên chuẩn bị thêm rượu, nước lọc.
Lưu ý: Tùy vào từng gia đình mà lễ vật có thể nhiều hay ít, điều quan trọng là thành tâm và sự thành kính.
Gợi ý những mâm cỗ Tết Hàn thực, đơn giản, đẹp mắt nhưng ý nghĩa:
Mâm cỗ Tết Hàn thực gồm nhiều bánh trôi màu sắc của chị Đặng Việt Hương. Bánh chay cũng được tạo hình hoa ấn tượng.
Một mâm cỗ Tết Hàn thực gồm bánh trôi, bánh chay nhiều màu, hoa và quả của chị Tô Hưng Giang.
Mâm cỗ Tết Hàn thực với bánh trôi ngũ sắc nhà chị Thùy Linh.
Bánh trôi bánh chay nhiều màu nhà chị Thanh Hoan.
Mâm cỗ Tết Hàn thực đẹp mắt gồm bánh trôi, bánh chay, xôi, mâm ngũ quả... của chị Đặng Kim Ngọc.
Mâm cỗ Tết Hàn thực với bánh trôi bánh chay nhiều màu của chị Việt Hà.
Nguồn: