Trên các hình ảnh quảng cáo, những món đồ ăn luôn trông thật đầy đặn, hấp dẫn, ngon lành. Vậy nhưng trên thực tế, hình thức và cả số lượng của chúng lại kém xa “người anh em” phiên bản quảng cáo của mình.
Vẫn biết, hình ảnh quảng cáo chỉ mang tính chất "minh hoạ”, nhưng nhiều người cũng phải khóc dở mếu dở với những lần gặp phải “tai nạn” khi món ăn của mình quá khác xa so với những hình ảnh quảng cáo mà các chủ nhà hàng, chủ shop bán đồ ăn online và thậm chí là cả các thương hiệu lớn mời gọi.
Hình ảnh nồi lẩu trên quảng cáo và ngoài đời thực
Mới quảng cáo đưa vào phục vụ khách hàng nồi lẩu khủng được vài ngày nhưng một quán lẩu ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội này đang được nhiều tín đồ ẩm thực săn lùng. Theo hình ảnh quảng cáo của nhà hàng, nổi lẩu có kích cỡ to gần bằng một cái bàn ăn, bên trong là đủ các loại hải sản đầy ắp từ mực, ốc, tôm, cua và cả tôm hùm. Tuy nhiên, bức ảnh thực tế lại khiến nhiều người khá thất vọng. Chủ quán giải thích rằng, nồi lẩu của quán đang bán có nhiều mức giá, trong đó, ảnh chụp thật là nồi lẩu giá 2 triệu. Còn khách muốn có nồi lẩu như trong hình minh hoạ thì sẽ phải trả 4 triệu đồng.
Món bánh mì gối hình dưa hấu trên quảng cáo và hình ảnh thực tế được bán cho người tiêu dùng
Có một khoảng thời gian, những hình ảnh về loại bánh mì gối có màu sắc và hình dạng như một quả dưa hấu thu hút một lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam hiếu kì và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Được người bán quảng cáo là hàng do tiếp viên xách tay từ Nhật về, hoặc từ làm với nguyên liệu tự nhiên, loại bán này được bán trên thị trường với mức giá tương đối cao so với các loại bánh mỳ thông thường với mức giá trên dưới 100 nghìn đồng/cái tự làm, 160-190 nghìn đồng bánh xách tay về.
Nhiều người háo hức mua về dùng thử theo trào lưu nhưng rồi nhanh chóng thất vọng khi hình ảnh những chiếc bánh ngoài đời "nhân bánh thì ướt nhão nhoét, phẩm màu thì loang lổ, sốt đi kèm thì chua, vị thì còn không bằng ăn bánh mỳ gối bình thường".
Một khoanh chả lụa bên trong toàn lá được chị Khuyên ở Quận 3, TP HCM mua khi đi du lịch ở Vũng Tàu (Ảnh: Internet)
Bức ảnh "huyền thoại" từng được nhiều cư dân mạng chia sẻ như một câu chuyện cười ra nước mắt này thuộc về một người phụ nữ có tên là Khuyên ở Quận 3, TP HCM. Chị Khuyên bức xúc cho biết, trong chuyến du lịch vào cuối tuần rồi ở Vũng Tàu, gia đình chị khá ấm ức vì bị chặt chém kiểu lừa bịp.
Trong thời gian nghỉ ở thành phố biển, gia đình chị có ghé quán bánh khọt khá nổi tiếng nơi đây. Trong lúc chờ đợi, một người đàn ông ở trong quán đi ra cắt khoanh giò và mời dùng thử. Khi ăn, chị thấy vị đậm đà nên mua thêm một đòn chả nặng 200g với giá 70.000 đồng. Như vậy, nếu tính ra, một kg chả có giá 350.000 đồng. Đây là mức giá khá cao so với sản phẩm loại ngon chị mua ở TP HCM là 200.000-250.000 đồng một kg. Nhưng khi về đến nhà, gia đình cắt ra dùng thì thấy bên trong hơn một nửa là lá, số chả thực đem cân không nổi 100gram.
Trường hợp quảng cáo một đằng, sản phẩm thật một nẻo cũng xảy ra tương tự ở một số loại bánh kẹo. Hình bánh được in bên ngoài của bánh và bánh bên trong không liên quan gì với nhau.
Chủ nhân bức ảnh bên dưới cho biết hộp bánh này nằm chung trong một gói giỏ quà Tết được bày bán la liệt trên phố.
Bên ngoài hộp bánh có hình những chiếc bánh nhân kem rất bất mắt, nhưng bên trong là hộp bánh tây khô cứng, với mấy bịch bánh lẻ không nhãn hiệu. Người bán đã tìm cách mở nắp hộp bánh để tráo ruột nhằm mục đích kiếm lời.
Cùng ngắm thêm những bức ảnh "cười ra nước mắt" khác khi mua đồ ăn theo quảng cáo và thực tế:
Ham mua mít "ít hạt" và cái kết "đắng lòng".
Mì ăn liền và câu chuyện ai cũng hiểu.
Quảng cáo và thực tế hoàn toàn khác xa nhau.
"Chúng ta đã bị lừa bao nhiêu lâu nay?"
Ngay cả những thương hiệu lớn cũng không tránh khỏi tình cảnh bị mắng "treo đầu dê, bán thịt chó".
"Tôi đã khóc khi nhìn thấy chiếc bánh này!"
Khi bạn muốn có một món trứng ấn tượng và kết quả còn hơn cả mong đợi.
Sự thật thì... "Quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo!"