Gỏi mít rất dễ làm và không mất nhiều thời gian. Lựa những trái mít gai mịn đều, da nhẵn, bổ ra thành nhiều phần nhỏ, gọt vỏ, bỏ cùi, ngâm vào nước lạnh để ra bớt mủ và không bị thâm vì gió.
Mít non được gọt vỏ, ngâm trong nước lạnh cho hết mủ và khỏi thâm. Ảnh: C.K. |
Món gỏi mít truyền thống của người miền Trung chỉ có mít non, lạc, các loại rau thơm. Ngày nay, đời sống không còn khó khăn, khi chế biến người ta cho thêm rất nhiều nguyên liệu như: tôm, thịt, mực... làm cho món gỏi thêm đa đạng, phong phú và ngon miệng.
Mít luộc chín và thái thành từng phần nhỏ vừa ăn. Ảnh: K.L. |
Sau khi ngâm, mít được rửa sạch, luộc cho vừa chín tới, vớt ra để ráo và thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo thớ mít.
Nguyên liệu cần cho món mít trộn rất đơn giản, gồm có nước mắm chanh tỏi ớt, lạc rang giã nhuyễn, rau răm thái nhỏ...
Nguyên liệu trộn gỏi: nước mắm tỏi ớt, rau răm, lạc rang. Ảnh: K.L. |
Phi thơm dầu ăn (loại được ép từ đậu phộng càng béo). Cho phần mít đã sơ chế vào đảo sơ qua. Tắt bếp, rưới nước mắm tỏi ớt lên trên và trộn đều. Cuối cùng cho thêm rau răm và đậu phộng là hoàn thành món mít trộn.
mít non trộn là món ăn dân dã nhưng đậm đà, ngon miệng. Ảnh: K.L. |
Ăn gỏi mít non không thể thiếu bánh tráng nướng cùng chén nước mắm chanh tỏi ớt. Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức bánh tráng giòn rụm, mít non ngọt, bùi như thịt gà, các vị cay, mặn, ngọt hòa lẫn vào nhau làm cho món ăn thêm phần đậm đà và thi vị.
Khánh Ly