Lịch làm sạch để nấu canh chua. Ảnh: Thanh Niên. |
Mùa nắng hạn là lúc dễ bắt được lịch bằng cách cào, thụt hang hoặc câu. Tuy nhiên, câu lịch là "chiêu" thú vị nhất. Chọn lưỡi câu cá lóc có ngạnh thật sắc, bẻ thẳng ra rồi uốn thành hình lưỡi ó. Tóm lưỡi câu phải thẳng với sợi dây gân dài độ 60 cm. Lịch háo ăn và món mồi dễ dụ là cá thồi lồi con.
Theo những con mương cạn lúc nước ròng sẽ nhìn thấy hang lịch. Người mới "ra nghề" thường nhầm lẫn hang lịch với hang đẻn, hang cá bống kèo, bống cát. Biết nhận diện chính xác hang lịch, thậm chí biết lịch nhỏ hay lớn, câu mau ăn hay lâu ăn... không chỉ nhờ kinh nghiệm mà phần nhiều do khả năng thiên phú. Nếu nghĩ lịch lớn ở hang lớn, lịch nhỏ ở hang nhỏ thì sai lầm.
Có thể cào lịch, thụt lịch bất cứ lúc nào nhưng câu lịch phải canh nước rong, nước kém, nước lớn, nước ròng, nắng sớm, nắng trưa. Lịch thường đói ăn vào ngày nước kém và nhạy mồi từ lúc mặt trời lên cho đến 8-9 giờ. Cái mánh câu lịch là "khiêu khích" con lịch mau lên ăn bằng cách búng tay ngay miệng hang vài tiếng chách chách trước khi thả mồi vào hang nhấp. Làm vậy mùi tanh của mồi nhanh chóng tỏa xuống hang và tiếng động khiến con lịch phải ngoi lên. Lịch lì đòn, không biết "ê mép" là gì, có khi cắn câu hụt dính 3 lần lại tiếp tục cắn lần thứ 4 để rồi... bị tóm.
Người dân quê chế biến lịch thành nhiều món ăn. Lịch xào sả ớt ăn với cơm. Lịch nướng làm mồi nhậu. Lịch nấu canh chua đãi khách. Để có nồi canh chua thật ngon, người ta thường chuẩn bị đủ các nguyên liệu: mớ đọt rau muống đồng, đôi ba cọng sả đập dập, một trái ớt sừng trâu chín đỏ xắt khoanh, mấy cọng rau húng quế và đương nhiên không thể thiếu mấy trái bần ổi chua.
Lịch làm sạch, chiên sơ với tỏi thơm rồi mới thả vào nồi nước đã dầm mấy trái bần đang sôi ùng sục. Vị ngọt của thịt lịch, vị chua thanh của bần ổi hòa với mùi thơm của sả, rau nêm... tô canh nóng hổi được dọn lên bàn, mới nhìn đã “nứt hai con mắt", mới ngửi đã "chảy mồ hôi lưỡi". Với con lươn, con lịch thì khúc đuôi là phần béo nhất, ngon nhất.
(Theo Thanh Niên)