Những ngày này, trên khắp các tuyến phố của Thủ đô không khó để bắt gặp hình ảnh gánh hàng rong chở theo quất hồng bì đi bán. Quất hồng bì còn có tên gọi khác là hoàng bì, quất bì, kim đạn tử, do bì, do mai,... thuộc họ cam quýt.
Ngay từ đầu tháng 7, quất hồng bì đã nhuộm vàng trên khắp các con phố. Theo quan niệm dân gian, quất hồng bì ngâm đường có tác dụng chữa ho nên được nhiều bà nội trợ chọn mua mỗi khi vào mùa. Một số tài liệu còn ghi chép, lá quất hồng bì vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng giải thử (cảm nắng), cảm cúm, hạ sốt, long đờm và giảm ho. Còn quả có vị chua, tính bình, hơi ấm, có tác dụng giảm ho, long đờm, kích thích tiêu hóa và cầm nôn mửa. Vỏ thân cây hồng bì kết hợp vài vị thuốc khác dùng cho phụ nữ sau sinh.
Chị Thủy - một người bán hàng rong trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết; hàng năm, khi chuẩn bị hết mùa vải; chị thường nhập quất hồng bì và đào về bán. “Đầu mùa, quất hồng bì có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Mặc dù loại quả này rất dễ dập nát nhưng lại là món ăn vặt yêu thích của nhiều chị em nên mua về tới đâu là hết hàng tới đó. Không chỉ để ăn, nhiều người còn mua về làm thuốc chữa bệnh", chị Thủy nói.
Đang chọn ít quất hồng bì về ngâm đường, chị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hàng năm, cứ vào mùa quất hồng bì chị lại mua một ít về ngâm đường để trị ho. “Có 2 con nhỏ, ngoài chanh đào, nhà tôi luôn có lọ quất hồng bì để trị ho”, chị Loan cho biết thêm.
Các tuyến phố của Thủ đô “nhuộm vàng” màu của quả quất hồng bì.
Tháng 7 là mùa quất hồng bì chín rộ.
Đầu mùa, quất hồng bì có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Quất hồng bì theo chân người bán hàng rong đi khắp các tuyến phố.
Do quất hồng bì dễ dập nát nên người bán phải xếp cẩn thận.
Theo quan niệm dân gian, quất hồng bì ngâm đường có tác dụng chữa ho nên được nhiều bà nội trợ chọn mua mỗi khi vào mùa.
Nên chọn chùm có cuống còn tươi, quả to đều, màu vàng đậm; khi ăn có vị ngọt thanh, không chua gắt.
Bên cạnh quất hồng bì, nhãn cũng bắt đầu vào mùa.