Từ miền quê đến thành phố, chỗ nào cũng có thế tìm được 1 quán mỳ, có quán vách nứa mái tranh chênh vênh bên sườn núi, có quán nằm lặng lẽ bên những cánh đồng mướt xanh, có quán lại lọt thỏm giữa ồn ào phố thị...
Những người sành ăn mỳ Quảng thường phải chọn những quán hội đủ các thứ sau đây: mỳ được thắng ở chợ Chùa (Duy Xuyên), rau sống phải là rau Hội An thứ thiệt, tôm để làm nhân phải bắt từ Cửa Đại và nước mắm nêm phải là nước mắm Nam Ô. Còn nữa, mỳ ngon là ngon từ lá mỳ và tô mỳ phải có bố cục đẹp mắt.
Ăn mỳ Quảng nên ăn vào buổi trưa. Gắp một đũa mỳ cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng "soạt", khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng. Và phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng. Mỳ Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mỳ sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, cái mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt...
Ăn mỳ Quảng mà thiếu bánh tráng thì coi như không đúng cách. Bánh tráng cho ta cái giòn giã và thơm tho, cái béo của dầu mỡ quyện với cái béo của gạo nuớng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng mà không ớn.
Mỳ Quảng dễ ăn, hợp khẩu vị với nhiều người mà đặc biệt, dù cho nó được bày bán ở những nhà hàng cao cấp giá cả của nó vẫn rất bình dân. Ngày nay, mỳ Quảng đã được các chủ quán thêm vào một số "biến tấu" trong cách trình bày cũng như thành phần gia vị: một cọng hành hương, vài cục thịt mỡ nấu nhừ. Những biến tấu ấy không hề làm mất đi cái ngon đặc trưng của nó mà trái lại càng làm tăng thêm tính hấp dẫn mà thôi.
(Theo Ẩm Thực Việt Nam)