Nhái chỉ sống hoang dã, không thể nuôi được như ếch, thịt nó rất lành và ngon, tương tự như ếch, nhưng không độc. Trên thực đơn, món nhái tẩm bột ram (chiên) được gọi là “phi tiễn”.
Mùa này, những cánh đồng bị ngập nước, đàn nhái chuyển đến chỗ cao ráo, đêm về, chúng cất tiếng kêu. Những người đi bắt nhái cầm đèn tìm (gọi là đi soi), lũ nhái háu ăn, mò ra khỏi hang tìm mồi. Trúng ổ, lúc ấy bắt bằng tay dễ như... nhặt, khoảng tiếng đồng hồ, túi đã đầy.
Thông thường, người ta bắt nhái đem về chặt bỏ đầu và ngón chân, lột da, mổ nội tạng vứt đi, rửa thật sạch. Sau đó để nguyên con, cho vào chảo dầu sôi để chiên giòn từ thịt đến xương, cùng với nhiều gia vị. Dọn xuống ăn ngay lúc còn nóng hổi, nhai giòn rụm, vị béo, mằn mặn.
Món phi tiễn ăn rất đơn giản, chấm mayonaise, tương ớt là đủ ngon. Ảnh: Vũ Hào. |
Trong nhà hàng, do số nhiều, nhái sau khi mổ, làm sạch, được ướp muối sống, cất vào tủ lạnh. Khi khách gọi món “phi tiễn”, nhà bếp mới đun nóng chảo dầu lên, khử hành tỏi. Sau đó lăn các con nhái trong bát bột mì hay bột năng (đã pha nước lã sền sệt), bột trở thành “lớp áo” cho con nhái đẹp mắt, thơm tho hơn. Bỏ tất cả vào chảo dầu, trộn đều tay, khi lớp bột khô chuyển sang màu vàng rơm, mùi thơm là trút ra đĩa, tắt bếp.
Món này ăn rất đơn giản, một đĩa mayonaise, đĩa tương ớt để chấm là đủ. Muốn “đưa cay” thì thêm ít cà rốt, dưa leo xắt miếng, lá chanh thái sợi, rau thơm, hành tỏi sống bóc vỏ.
Hiện nay do ruộng đồng, vườn tược bị thu hẹp, nên loài nhái khan hiếm. Tại thành phố Huế chỉ còn 4- 5 nhà hàng bán món nhái “thiệt”, các quán nhậu khác trộn ếch (nuôi) vào giả làm phi tiễn “nhái”. Theo những người chuyên bắt nhái cung cấp cho nhà hàng, thịt nhái ngon nhất vào đầu tháng 8.
Khách sành điệu muốn thưởng thức đặc sản “hương đồng cỏ nội”, thường chịu khó về vùng ngoại ô Huế (Thừa Thiên Huế), tuy xa nhưng luôn có nhái” chiên giòn, nhái xào sả ớt, cháo nhái... giá bình dân 50.000 đồng một món.
Vũ Hào
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.