Biết ông xã tôi thích cơm rượu, cuối tuần rồi dì Tám gửi lên cho một hũ. Do lơ đễnh, tôi quên béng nó, khi nhớ ra thì mùi rượu đã nồng nặc. Ăn thì không còn ngon vì đắng mà bỏ thì phụ lòng dì. Tôi đang suy nghĩ tìm cách xử lý hủ cơm rượu này thì có điện thoại của bà chị Hai. Nghe tôi tiếc rẻ, chị nói: “Thôi mua bột về nhồi ủ làm bánh bò đi, cơm rượu già ngày làm càng ngon”.
Bánh bò là món ăn chơi rất quen thuộc, tôi còn nhớ hồi bé ở quê mỗi lần nghe tiếng rao lanh lảnh “bánh bò nước cốt dừa đây” của dì Ba là tôi luýnh quýnh xin tiền má rồi chạy nhanh ra cổng nhà ngồi chờ sẵn. Dì ba đặt xề bánh đầy ắp những chiếc bánh tròn tròn vàng ươm, xô nước cốt dừa trắng đục xuống đất rồi nhanh tay dùng nĩa xỉa 3 cái bánh để lên lá chuối và chan nước cốt dừa lên. Bao giờ tôi cũng ngồi một bên nhắc: “Dì cho con nước dừa nhiều nhiều nghen”.
Con nít ở quê thuở đó có gì mà ăn, gói bánh bé xíu tôi ăn nhín nhín nhưng cũng thoáng vèo hết sạch.Chưa đã thèm, tôi liếm sạch trơn nước cốt dừa dính trên miếng lá chuối.
Để bánh bò bóng mượt, đừng quên trộn dầu dừa vào bột
Mỗi khi nhà có đám giỗ, tôi nhớ bà ngoại cũng hay làm bánh bò để cúng và gói cho bà con, hàng xóm. Tôi chỉ biết nguyên liệu làm nên nó gồm: Bột, đường, nước cốt dừa và men hoặc cơm rượu thôi chứ chưa bao giờ để ý cách ngoại làm ra sao. Thấy tôi băn khoăn, chị Hai nhắn qua cho một công thức hết sức tỉ mỉ.
Theo hướng dẫn của chị, tôi ra chợ mua 400 gram bột gạo, 50 gram bột năng, một ký dừa khô nạo, 300 gam đường thốt nốt. Đem về trộn lẫn bột gạo, bột năng và một chén cơm rượu vừa cái và nước tán nhuyễn, rồi rưới nước lọc vào nhồi đến khi bột quyện lại thành một khối mềm mại dẻo dẻo mịn màng, dùng nắp đậy kín lại ủ qua đêm. Sáng hôm sau sẽ thấy khối bột có li ti tăm sủi đó là bột đã dậy.
Chuẩn bị nước đường để hòa tan khối bột này, cho đường và nửa muỗng cà phê muối cùng một tô nước lọc vào nồi bắc lên bếp nấu cho tan rồi để nguội, sau đó đổ vào thau bột quậy đều. Để bánh trong và mịn màng thì phải lọc bột qua miếng vải the mỏng. Về lượng nước cho vào bột thì chị Hai nói làm sao để nặng 1,5 kg là vừa.
Sau khi đổ vừa lượng nước, đem tiếp tục đậy kín thau bột lại để thêm vài giờ nữa, đến khi khí nổi lên trong bột và có mùi thơm cùng vị chua nhẹ của rượu.
Trong thời gian chờ bột sủi tăm lại thì tôi đi vắt nước cốt dừa, chia làm hai phần: Một phần dùng để thắng nước cốt dừa để khi ăn chan lên bánh, một phần để lên chảo thắng thành dầu dừa. Khi bột đã dậy thì đổ mớ dầu dừa này vào quậy đều giúp bánh thơm và bóng mượt hơn.
Bắc xửng nước lên bếp đun thật sôi, đặt khuôn bánh đã thoa dầu lên xửng rồi dùng vá múc bột đổ vào khoảng 2/3 khuôn, đậy nắp lại bắt đầu hấp. Hấp đến khi nào dùng cây tăm xiên qua không dính ướt bột thì bánh bò đã chín.
Lần đầu thực hành món ăn bánh mà hồi nhỏ tôi mê tít ta nói nó hồi hộp gì đâu! Đúng như chị tôi nói, bánh bò rất dễ làm nhưng nó đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian nên cần sự kiên nhẫn. Ai đã vượt qua những công đoạn phức tạp đó thì sẽ được một phần thưởng đích đáng là những chiếc bánh xôm xốp ngọt lịm, thơm lừng mùi đường thốt nốt và béo ngậy nước cốt dừa.