Những luống rau thơm làng Láng. |
"Thơm Láng bao giờ lá, cọng cũng gầy hơn những loại thơm vùng khác, cọng tía sẫm, lá ít răng cưa và mỏng, thả ra tay còn nguyên mùi thơm dịu, rất đậm đà, không gắt quá mà cũng không ngả bùi bạc hà. Chẳng riêng những người làm rau mà những ai sành ăn đi đâu cũng nhận ra ngay thơm Láng...", bà Nguyễn Thị Tâm (85 tuổi) một người làng Láng nói.
Dù có mua cùng một loại cây ở chợ Bưởi, chợ Mơ nhưng chỉ khi trồng ở Láng, thơm mới có những đặc tính quý hiếm trên. Làng Đăm (Tây Tựu) và một số nơi ở Thanh Trì đều trồng nhiều húng, nhưng không đâu được thơm ngon như húng Láng. Không biết bao người đã về làng, mang giống đi với tâm nguyện nhân rộng, giữ gìn giống rau quý nhưng cây đều biến giống, giảm chất lượng dù có được chăm sóc cẩn thận bao nhiêu. Ngay như Yên Hòa, cách Láng có vài chục bước chân qua sông Tô Lịch mà cũng chẳng "trộm" được thứ húng này. Chưa kịp qua sông húng đã mất vị rồi.
Tất nhiên, để làm ra được thứ rau ngon như thế cũng một phần nhờ công người chăm bón. Có đi khắp các rẻo đất mới thấy hết cái vất vả, công phu của người trồng rau làng Láng.
Nói đến húng Láng mà không nói đến hành Láng thì sẽ là thiếu sót. "Trăm thứ canh không có hành không ngon", ai đã từng ăn phở mà không có hành mới thấy nó vô vị biết chừng nào. Thứ hành Láng nhỏ cọng, nhỏ củ, ngắn rễ có mùi thơm đặc trưng này đã góp phần tạo nên vị riêng của phở Hà Nội. Chả trách các hàng phở nổi tiếng xưa kia đều lặn lội về tận Láng lấy hành.
Hành và húng đều không ưa trồng chung với bất cứ giống nào khác, cứ phải một mình một luống. Húng không trồng bằng hạt. Vụ thu đông thì giâm bằng ngọn bánh tẻ, hè thu thì giữ lại rễ từ vụ trước, để ẩm cho mọc mầm trắng rồi đem rải xuống rãnh, phủ đất lên, ngọn sẽ tự bưng ra. Lạ cái là giống này chỉ ưa ăn bã khô dầu, rơm mục, trấu, bùn ao... Rau ngon cũng vì không có những phụ gia công nghiệp thời kinh tế thị trường. Và người làng Láng cũng không vì năng suất mà bón bừa bãi cho rau quý. Húng mà "ăn" thuốc, phân hóa học sẽ "bạch tạng" chết hay xanh um lên, nhạt thếch ra, coi như hỏng. Ngày nào cũng phải tưới nhẹ một lượt trước khi mặt trời đến và một lượt trước khi mặt trời đi. Nhổ cỏ, làm đất, cấu ngọn có cỡ, cữ, tùy theo mùa.
Ngoài cái tâm của người Láng, cái chất đất Láng, căn nguyên của sự độc đáo trong húng Láng còn được lý giải bằng cơ sở khoa học. Năm 1978, bộ môn rau quả của Đại học Nông nghiệp I đã có một đề tài nghiên cứu về cây húng Láng. Kết quả chỉ ra rằng yếu tố thổ nhưỡng và vùng tiểu khí hậu khác biệt là nguyên nhân tạo cho cây húng ở đây có địa vị độc tôn.
Ở đâu thơm húng thơm hành
Có về làng Láng cho anh theo cùng
Theo ai vai gánh vai gồng
Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô
(Theo Hà Nội Mới)