Nếu xưa kia món chè vốn là món tráng miệng chỉ dành cho vua chúa, quý tộc thì ngày nay nó đã trở thành một món quà vặt không thể thiếu trên khắp các phố phường. Dù dọc 3 miền đất nước, mỗi nơi đều có những loại chè đặc trưng riêng nhưng ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, món chè thập cẩm lại giản dị và tinh tế vô cùng. Giữa muôn vàn món chè hiện nay, “order” một cốc chè thập cẩm là sự lựa chọn hoàn hảo nhất để thưởng thức tất cả những tinh túy của thức quà này giữa ngày hè oi ả.
Và nhắc đến những quán chè thập cẩm nổi tiếng đất Hà thành, những thế hệ thực khách từ già đến trẻ vẫn không quên chỉ nhau về con phố Trần Hưng Đạo để được một lần thưởng thức cốc chè thập cẩm lâu đời và đắt đỏ nhất nhì Hà Nội có tuổi đời hơn 40 năm.
Chè thập cẩm Trần Hưng Đạo có tuổi đời hơn 40 năm.
Những ngày nắng nóng như thế này, nếu có dịp đi qua con phố Trần Hưng Đạo, mọi người đừng quên rẽ vào con ngõ nhỏ 72 để thưởng thức cốc chè thập cẩm có từ 1976 với hơn 40 năm nổi tiếng ngon và đắt đỏ nhất nhì Hà Thành.
Đây là một trong nhưng quán chè hiếm hoi đã đi qua 4 thập kỷ cùng những thăng trầm của đất nước, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội.
Điều ấn tượng đầu tiên khi bước vào quán đó là không gian khá sạch sẽ, gọn gàng. Tuy nhiên khác với suy nghĩ của mọi người về sự cổ kính đồng hành cùng độ tuổi, không gian ở đây lại khá hiện đại, thoạt nhìn qua những bộ bàn ghế giống như một quán café nhỏ.
Quán nằm ở ngôi nhà 5 tầng, trong đó 2 tầng được dành để phục vụ thực khách. Mọi người có thể lựa chọn ngồi ở dưới tầng 1 với những bộ bàn ghế con con nép sát vào tường hay ngồi trên gác 2 lơ lửng, thảnh thơi vừa tận hưởng hương vị thanh mát trong cốc chè thập cẩm vừa ngó xuống dưới nhìn không gian nơi đây qua khe lan can nhỏ.
Những cốc chè đầy ắp được chuẩn bị phục vụ thực khách.
Có thể nói, với những người đến đây ăn lần đầu sẽ bị choáng ngợp bởi bản thực đơn dài miên man đến “hoa mắt chóng mặt” với hàng chục loại chè, kem. Và khi có quá nhiều sự lựa chọn thì việc “order” một cốc chè thập cẩm, mỗi thứ một ít có lẽ vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan nhất dành cho nhiều người, vừa đơn giản, vừa đỡ đau đầu suy nghĩ, lại vẫn thưởng thức được tất cả những thức quà ngon nhất.
Khác với suy nghĩ của mọi người, cốc chè thập cẩm ở đây lạ lắm. Dường như trong đó là sự hòa quyện của 4 thức chè: chè Thái, hoa quả dầm, sương sa hạt lựu và chè thập cẩm truyền thống. Bốn thứ hòa quyện thành một để đưa ra cốc chè thập cẩm có một không hai, đặc biệt nhất mà chỉ trên con phố Trần Hưng Đạo mới có được.
Mặc dù cốc chè thập cẩm ở đây có giá khá cao 45 nghìn/cốc ngang ngửa với một bát phở bò đặc biệt nhưng cốc chè ở đây khá đầy đặn, to như cốc bia.
Hương vị chè rất vừa miệng, ngọt nhưng không bị ngọt khé và luôn mang một đặc trưng riêng khiến cho ai ăn một lần cũng phải nhớ mãi. Nghe nói cốc chè thập cẩm ở đây có sự hòa quyện của 17 nguyên liệu kết hợp, nào là hương vị của những loại hoa quả như mãng cầu, lê, xoài, dưa, nhãn, mít… Hương vị dẻo ngọt của 3 loại trân châu socola, đậu xanh vừng, nho; hương vị của cốm xào xanh non rồi hương vị thơm của các loại đậu, cốt dừa,…
Tất cả những nguyên liệu ấy tưởng như không gắn kết nhưng lại kết hợp hài hòa, tròn vị giúp phần nước mềm mịn, không bị quá ngọt, còn phần nhân luôn dẻo thơm và lạ miệng. Đặc biệt, cốm xào hay trân châu trong cốc chè đọng lại hương vị khó quên với thực khách. Sau khi thưởng thức xong, mọi người sẽ được tận hưởng “đã vị” khi tráng miệng bằng cốc trà hoa nhài thơm ngát.
Trân châu không mua sẵn mà tự làm với nhân nho, đậu xanh, socola. Đặc biệt, sô cô la phải là loại nhập từ Đức, được thái hạt lựu làm nhân trân châu nên đa số khách hàng đều thích thú với thành phần này.
Hoa quả được chọn theo mùa, luôn đảm bảo độ tươi và ngon ngọt.
Các loại đậu, thạch, mứt quả được tuyển chọn kỹ từ khâu lựa nguyên liệu để chế biến. Trong cốc chè thập cẩm còn có một miếng cốm dẻo xanh ngát, thơm nồng nàn.
Với những khách quen đến đây thưởng thức hương vị cốc chè thập cẩm nổi danh nhất nhì Hà Thành chắc hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ bà mái tóc điểm màu thời gian luôn mỉm cười cùng với giọng nói miền trong dịu dàng. Đó là cụ Mai (71 tuổi) – người đã gắn bó với quán chè này ngay những ngày đầu.
Cụ Mai, cô Dung và nhân viên tranh thủ nặn trân châu khi quán chưa đông khách.
Cụ Mai kể, cụ sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển Phú Khánh xưa, nay là Cam Ranh, Khánh Hòa. Năm 19 tuổi, cụ cùng chồng theo lệnh tập kết ra Bắc, từ đó đến nay gắn bó với mảnh đất Hà Nội. Và năm 1976, cụ mở quán chè ở con phố Trần Hưng Đạo này. Cụ bảo, cụ là Phật tử nên không bán được đồ mặn, vì thế cụ chọn bán chè bằng những nguyên liệu đơn giản. Mỗi ngày, cụ phải dậy từ 4-5h sáng nhóm bếp than tổ ong nấu chè còn chồng phụ giúp mài đá, cán bột thủ công bằng tay.
Tiếp lời cụ, cô Lê Minh Dung (con gái – PV) cho biết, cụ có 4 người con gái, kể từ khi cụ già yếu, cô tiếp quản cửa hàng, đến nay đã được 20 năm. Hiện nay, những món chè ở quán đều được chắt lọc từ những thứ tinh túy nhất trong suốt 40 năm qua để phù hợp với thực khách.
“Từ thời bà chỉ có đậu xanh cốt dừa, sau đó có chè thập cẩm và rồi nghĩ ra nhiều món khác từ cốc chè này. Cốc chè bây giờ còn lại là những gì tinh túy nhất, chủ yếu là các loại đậu, các loại hoa quả phù hợp mùa nào thức nấy và cốt dừa”, cô Dung chia sẻ.
Vào buổi tối trời hè oi bức, có lẽ mọi người phải “chờ dài cổ” mới được thưởng thức một cốc chè thanh mát. Các món giao động 40-70k.
Theo cô Dung, cốc chè thập cẩm đặc biệt nhất của quán được tổng hợp từ 17 loại nguyên liệu khác nhau. Trong đó mỗi nguyên liệu đều được lựa chọn kỹ càng và được tự tay làm cẩn thận.
“Hoa quả luôn được chọn tươi ngon còn trân châu nhân socola, nho được em gái gửi từ Đức về. Công việc việc làm ra viên trân chậu trong chè khá vất vả. Trân châu ở quán gồm 3 loại đều được làm tự bột tươi và được tự tay nặn vê, không mua sẵn. Cả ngày, tôi với mẹ và nhân viên lại tranh thủ ngồi nặn từng viên trân châu một nên ngày nào cũng có đồ tươi ngon”, cô Dung cho hay.
Được biết hiện nay, mỗi ngày quán bán được 600-700 cốc chè, thời gian đỉnh điểm lên tới 1500 cốc/ngày. Mặc dù mỗi cốc chè thập cẩm có giá khá cao 45 nghìn/cốc nhưng ai đã từng ăn cũng có thể hiểu thức quà vừa lạ vừa quen này, điểm tô khéo léo, hài hòa văn hóa ẩm thực truyền 2 miền Bắc – Trung và cả những sáng tạo riêng của con người miền Trung đôn hậu, hiền hòa.