Rau sắng. (Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị) |
Ông Trịnh Văn Tiết là một trong số các "đại gia" rau sắng của làng Yến Vỹ, xã Hương Sơn. Ông có khoảng 6.000 gốc cây rau sắng nằm rải rác trên hai ngọn núi rộng 2 hecta cạnh nhà. Số gốc cây đã được thu hoạch là 1.000. Cây lâu năm nhất được bố ông trồng từ cách nay 20 năm. Cụ vào rừng sâu đốn củi, tình cờ gặp, mang về trồng trên ngọn núi cạnh nhà. Thật may, đấy chính là cây rau sắng cái. Khi cây ra hoa kết trái vàng ươm như kén tằm rụng quanh gốc và mọc ken đầy những cây non, cụ cần mẫn ươm cho chúng lớn độ một gang tay rồi tỉ mẩn đánh ra trồng trên từng hốc đất nhỏ trên khe triền núi đá xám lạnh. Nếu thời tiết thuận, mỗi năm có hàng trăm cây non được vun trồng và rồi cái nghiệp rau sắng lại được con cháu cụ tiếp tục đắp bồi...
Nếu như gia đình ông Tiết nổi danh vì có cả một trang trại rau sắng thì ông cụ Nguyễn Văn Áp lại nức tiếng nhờ được rừng ban lộc. Ngày nào cũng vậy, cứ tinh mơ là ông len lỏi bao ngóc ngách núi đá điệp trùng của núi rừng Hương Sơn để tìm hái rau sắng về bán vào buổi chiều cho nhà chùa và khách du lịch. Chăm chỉ, lại thông tỏ mọi ngóc ngách của núi rừng nên ông luôn kiếm được nhiều rau nhất so với các đồng nghiệp. Ông Áp biết cả những cây rau sắng to như cây đại già mà để hái được rau, ông phải dùng một cái sào nhỏ có ngoắc mà giật từng ngọn xuống. Cứ đầu tháng tư âm lịch, khi cây đã ra những chùm nụ thì ông chỉ dám xin lộc một chút thôi, còn chừa lại một phần cho chúng nở hoa, kết quả, rụng xuống mọc thành cây con.
Ngoài ra, ở Hương Sơn còn các "đại gia" rau sắng khác: ông Nguyễn Văn Tiềm có 3.000 cây ở khu thung Cổng Vại, ông Trần Văn Đáng với 5.000 cây ở thung Gạo, dưới chân chùa Hinh Bồng... Họ đã làm giàu bằng nghề trồng rau sắng từ vài ba năm nay.
Rau siêu sạch và bán đắt như tôm tươi
Sinh trưởng trên những triền đá lạnh, không nệ nhiều đến bàn tay chăm bón của con người, có chăng chỉ là xới đất và nhặt cỏ, nên rau sắng là sản phẩm siêu sạch (từng đoạt huy cương vàng tại Hội chợ thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2004). Vì vậy, để không mất đi các dưỡng chất và giữ được hương vị rất riêng của rau sắng, người dân ở đây khuyên các bà nội trợ trước khi chế biến, chỉ cần rửa qua để tránh rau bị nát; sẽ là hoài của nếu bỏ đi những cọng rau non, giòn và rất bùi.
Vì là loại rau quý hiếm, lại thơm ngon nức tiếng nên rau sắng luôn đắt: 100.000-300.000 đồng/kg. Đắt đỏ vậy mà chưa khi nào người bán bị ế lấy một cọng. Mỗi vụ, trung bình một cây rau trưởng thành có thể cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Du khách nào về trảy hội chùa Hương cũng tìm mua bằng được vài ba cân rau về thưởng thức và làm quà cho người thân. Rất nhiều người thường xuyên mai phục ở các nẻo đường lên núi hay các khu chợ quanh vùng Hương Sơn để thu mua rau sắng với số lượng lớn đem đi tiêu thụ khắp nơi; tất nhiên, khi ấy giá cả sẽ được đẩy lên cao gấp 2-3 lần.
Ông Nguyễn Chí Thanh, chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, cây rau sắng đang được đầu tư nhân rộng, chỉ chục năm nữa là sẽ mọc bạt ngàn rừng Hương Sơn. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày một người dân hái được 2 kg rau, thu nhập 240.000 đồng. Rau loại 1 được đóng gói, bán trong hệ thống siêu thị (nhiều nhất là tại tầng 4, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza Hà Nội) và xuất khẩu. Các loại rau chất lượng thấp hơn sẽ được tiêu thụ trên thị trường truyền thống.
Vậy là từ nay, rau sắng sẽ không còn làm khách ẩm thực lo "tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)