Tại châu Á, tảo đã được dùng từ nhiều thế kỷ ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Hoa như món lê ghim trong bữa ăn hàng ngày. Tại phương Tây, tảo thường được dùng làm phụ gia và việc dùng tảo làm thực phẩm ngày càng nhiều nhờ sự du nhập văn hóa ẩm thực Nhật và Trung Hoa.
Tảo chứa nhiều sinh tố và vi lượng tố như nhiều beta-caroten (chất chống oxy hóa, tiền chất vitamin A). Một số tảo khác rất giàu protein nên được dùng giải quyết nạn suy dinh dưỡng trong một vài quốc gia. Ngoài ra, tảo được dùng vì một số đặc tính lý hóa của các phân tử được trích ly như năng lực kết nối, gen hóa hoặc nhũ tương hóa. Với hàm lượng lipid thấp, tảo tạo cảm giác giống các sản phẩm béo nên được sử dụng dưới dạng bột để thay thế chất béo trong nhiều thực phẩm chế biến.
Tuy có rất nhiều chủng loại tảo nhưng chỉ có 12 nhóm tảo được dùng trong ẩm thực. Đa số được dùng tươi dưới dạng salad hoặc luộc, hấp bằng hơi nước. Một số được dùng dưới dạng nướng hoặc nấu xúp.
Một số tảo thường được dùng trong ẩm thực:
- Tảo spirulina platensis: Loại rong xanh dạng sợi xoắn này hiện nay đang sử dụng rất nhiều như là nguồn thực phẩm bổ sung với hàm lượng protein cao, thành phần acid amin giống với trứng, các glucid dễ tiêu hóa cũng như các acid béo không no cần thiết, giàu muối khoáng (calci, kali, sắt, phosphor), giàu vitamin A, B, C. Màu xanh của tảo cũng được ly trích dùng làm màu thực phẩm thiên nhiên. Đây là loại tảo đang được dùng nhiều nhất cho người lẫn trong chăn nuôi.
- Rau dấp cá biển: Rất phổ biến, chứa nhiều iod, vitamin C và sắt. Được dùng thích hợp trong các loại thực phẩm và thường thêm vào món salad.
- Đậu haricot biển: Giàu chất sợi, rất được ưa chuộng tại châu Á.
- Tảo dulse: Loại tảo đỏ này rất giàu vitamin A, dùng dưới dạng salad hay kết hợp với các loại nghêu, sò, ốc...
- Tảo porphyra: Rất được ưa chuộng vì được dùng để chế tạo món sushi nổi tiếng với tên tiếng Nhật là Nori. Tảo porphyra giàu vitamin A, B, được dùng như các loại nấm trên mặt đất.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)