Trong số những người chuyên nấu tiệc, không phải ai cũng được đào tạo nghề nấu nướng, tuy nhiên nhờ năng khiếu, qua kinh nghiệm cũng như sự học hỏi lẫn nhau mà họ trở thành đầu bếp có tay nghề. Có nhóm thợ sống bằng nghề nấu tiệc quanh năm mang tính chuyên nghiệp, đăng quảng cáo in danh thiếp hẳn hoi. Họ thường bao từ A đến Z, thức ăn được nấu tại cơ sở sau đó chở tới nơi đãi tiệc hâm nóng lại. Cũng có nhóm thợ nấu không chuyên, mang tính thời vụ. Những người này chỉ lãnh phần nấu nướng tại chỗ, chuyện chợ búa tự gia chủ đảm trách theo "toa" đã đề ra. Thực đơn - con át chủ bài của một tiệc cưới - phản ánh trình độ, tiếng tăm của người thợ nấu. Để "lấy tiếng", thợ nấu chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều ra sức tìm tòi, chế biến các món ăn lạ lẫm, độc đáo từ hương vị lẫn tên gọi. Tại một tiệc cưới ở ấp Nam Lân - Bà Điểm, nhóm thợ ở đây đã thiết kế một thực đơn khiến thực khách thoạt nhìn vào chỉ biết lắc đầu: Khai vị nhâm nhi tình bằng hữu, súp lâm sơn tứ hải, gỏi cá ngũ quả hoá long, thủy long tắm nắng... Một tay thợ nấu có 20 năm tuổi nghề tâm sự: Món bát bửu bây giờ "xưa" rồi. Nay là ... Tứ vị - "anh cả" của bàn tiệc nhưng phải chế biến từ các loại đặc sản "độc chiêu".
Tuy nhiên, theo các cán bộ Ngành Y tế Dự phòng cho biết, hiện nay lực lượng thợ nấu tiệc rất đông, đa số tiệc cưới đều do các cơ sở nấu tiệc đảm trách nhưng không thể quản lý được do họ nấu từ chỗ khác rồi chở tới nơi đãi tiệc. Theo chức năng thì các đội Y tế Dự phòng phải quản lý để kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn các đối tượng này thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng kinh tế cấp giấy đăng ký hoạt động để quản lý ngành nghề. Thế nhưng, bác sỹ Mai - Đội Y tế Dự phòng quận 3 nói: "Các điểm cố định có đăng ký như nhà hàng, hoa viên, các dịch vụ cho thuê mặt bằng còn có thể quản lý được, còn nhóm nấu tiệc thì sau khi tàn cuộc họ đi mất... biết đâu mà quản!".
(Theo Sài Gòn Giải Phóng, 23/12).
Có thể bạn quan tâm: