Xưa nay chỉ nghe tới củ măng, cổ hũ dừa (củ hủ dừa) nhưng hẳn là chưa nhiều người biết có củ hủ khóm (hay củ hủ dứa). Đây là một món ngon đặc sản của người miền Tây mà khi đã ăn rồi là ghiền vô cùng.
Khác với củ hủ dừa to vật vã, củ hủ khóm rất bé, nhìn như củ măng nhỏ, trọng lượng chưa đến 100g. Cây khóm không hiếm nhưng để ăn củ hủ khóm thì chắc chỉ có người dân miền Tây sông nước.
Vào mùa khóm, bà con sẽ lấy những nhánh non mọc ra từ gốc khóm già, lột vỏ và thu lấy phần củ hủ bé tí bên trong. Nói đơn giản là thế nhưng không phải cây khóm nào cũng cho củ hủ ngon. Thường những cây mới “dậy thì” phần củ hủ ăn mới ngon. Ngược lại những đọt già sẽ bị đắng và xơ dai.
Thường mỗi năm chỉ có 1 vài lần được ăn củ hủ khóm vì chủ yếu người ta trồng cây khóm lấy quả chứ không ai trồng chỉ để thu hoạch củ hủ. Từ bộ phận vứt đi của cây dứa, bà con đã làm ra các món ngon và biến nó trở thành đặc sản hiếm: Gỏi tôm, thịt, nấu lẩu hoặc nấu xáo gà, xáo vịt.
Công đoạn sơ chế củ hủ cũng rất mất thời gian, nếu làm sai cách sẽ khiến củ hủ không ngon, vị nhẫn đắng. Người miền Tây thường làm gỏi củ hủ chiêu đãi khách quý tới nhà.
Nguyên liệu- Củ hủ khóm.
- Thịt lợn.
- Tôm.
- Nước mắm.
- Đường.
- Mì chính.
- Ớt.
- Chanh.
- Rau thơm.
Cách làm gỏi củ hủ khóm tôm thịt1. Cây khóm khi nhổ về bạn gọt bỏ hết phần cuống và lá già bên ngoài chỉ giữ lại lõi ở bên trong. Thái củ hủ khóm thành miếng mỏng vừa ăn và ngâm trong nước muối loãng để khử mùi hăng, vị hơi đắng. Ngoài ra, bước này cũng sẽ giúp củ hủ khóm giòn ngọt hơn khi làm gỏi.
2. Thịt lợn rửa sạch, chà xát muối nhiều lần để giúp khử mùi tanh còn sót lại rồi đem đi luộc chín. Vớt thịt ra để nguội và thái miếng vừa ăn.
3. Tôm mua về rút chỉ ở lưng, rửa sạch rồi đem luộc. Tôm chín thì vớt ra, bóc vỏ, chẻ đôi để bát riêng.
4. Củ hủ khóm ngâm xong bạn đem chần sơ trong nước sôi khoảng 1 phút rồi vớt ra bát nước lạnh để giữ cho củ hủ được giòn, ngọt tự nhiên.
5. Lần lượt cho tôm, thịt, củ hủ khóm đã sơ chế vào bát rồi lần lượt thêm nước cốt chanh, đường, muối, mì chính và nước mắm vào (điều chỉnh tỷ lệ gia vị theo khẩu vị của gia đình). Đảo đều tay để gia vị thấm vào phần nguyên liệu.
5. Cho gỏi ra đĩa rồi thêm rau thơm và lạc rang lên trên là hoàn thành món ăn.
Tôm thịt đậm vị, củ hủ khóm giòn sần sật, ngọt thơm lại thêm vị béo bùi của lạc răng, hương đặc trưng của các loại rau thơm ăn kèm đã tạo nên món ngon mà ai ăn cũng mê tít.
Với người miền Tây, món ăn này thường chỉ dùng để đãi khách đến chơi nhà, lượng củ hủ khóm không nhiều nên không phải cứ có tiền là mua được.
Hiện nay, củ hủ khóm cũng được bán ở một số siêu thị, cửa hàng nhưng không nhiều, khách muốn ăn thường phải đặt trước, mức giá cũng dao động khoảng 90.000đ/kg.
Nguồn: