Nhờ định hướng được niềm đam mê cũng như khả năng của mình, lớn lên, cậu bé đó đã trở thành một bếp trưởng cho tập đoàn lớn khiến nhiều người nể phục. Và anh cũng vừa được tôn vinh là đầu bếp giỏi nhất trong gameshow đầu bếp đỉnh - sân chơi dành cho những đầu bếp chuyên nghiệp. Anh tên Võ Hoàng Nhân.
Đầu bếp Võ Hoàng Nhân nói chuyện điện thoại với mẹ trong chương trình Đầu bếp Đỉnh. |
Võ Hoàng Nhân mồ côi cha từ khi lên 4 tuổi. Mẹ bán thực phẩm và gia vị tại khu chợ Trung Chánh gần nhà, lãi lời không đủ để trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con, mẹ phải vay nợ của người khác. 9h sáng mỗi ngày, chủ nợ qua nhà Nhân đòi tiền lãi rất cao, nếu không trả kịp, hai mẹ con sẽ phải nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa rất thậm tệ.
Thấu hiểu sự vất vả của mẹ, 10 tuổi, Nhân xin đi làm phụ cá ở chợ để có tiền, đỡ đần mẹ phần nào. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng, Nhân cùng mẹ ra chợ bắt đầu công việc phụ cá của mình với mức thù lao 3.500 đồng cho mỗi buổi làm việc. Ngoài ra, Nhân nhanh trí tận thu thêm phần vảy, ruột cá mà khách bỏ lại bán cho những người nuôi heo nhằm có thêm thu nhập. Công việc vất vả đã hủy hoại đôi bàn tay của Nhân, những ngón tay ngấm nước cá nhiều đến nỗi không thể ra móng được. Không những thế, làm cá nhiều nên người cậu bị ám mùi tanh. Dù đã tắm rất nhiều nhưng Nhân vẫn không thể tầy được cái mùi khó chịu đó trước khi đến trường, nên đi học, Nhân không có bạn bè. Không ai muốn chơi với Nhân, bạn bè trêu Nhân là "cậu bé lái cá". Nhân âm thầm chịu đựng, không dám nói với mẹ một lời nào, bởi "mẹ đã quá mệt mỏi với công việc hàng ngày rồi, Nhân không muốn mẹ phải lo nghĩ thêm bất cứ điều gì khác nữa”.
Để có tiền, ngoài làm cá, Nhân cũng sẵn sàng nhận thêm nhiều công việc khác như phụ lau kính, phục vụ ở nhà hàng... Cái duyên đến với nghề bếp cũng bắt đầu từ những năm tháng Nhân làm việc trong các nhà hàng đó. Khi đang học lớp 10, Nhân được một người quen giới thiệu đi làm thêm phụ bếp ở nhà hàng tiệc cưới. Ngắm nhìn những món ăn thơm ngon, trang trí đẹp mắt, Nhân rất thích thú. Về nhà, Nhân tập nấu những món ăn đơn giản trước và mẹ chính là thực khách đầu tiên. Mẹ Nhân luôn động viên và ủng hộ con trai, món nào Nhân nấu ra mẹ cũng nức nở khen.
Nhận thấy khả năng và đam mê ẩm thực của mình, tốt nghiệp cấp 3, Nhân quyết định theo học nghề bếp tại trường Trung cấp Nghiệp vụ Du lịch & Khách sạn Sài Gòn (Saigontourist bây giờ). Con đường theo nghiệp đầu bếp chuyên nghiệp của Nhân đã mở sang một trang mới.
Song song với quá trình học ở trường, Võ Hoàng Nhân tích cực tìm kiếm các công việc làm thêm liên quan đến nghề để vừa có thể trang trải cuộc sống, vừa tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá về nghề. Anh xin vào làm phụ bếp ở khách sạn Đại Nam và một số nhà hàng chuyên về món Việt khác. Cũng từ đây, anh bắt đầu nếm trải những cay đắng đầu tiên của nghề bếp vốn rất khắc nghiệt. Làm phụ bếp, nhưng Nhân ít được tiếp xúc với các bếp trưởng vì người ta sợ anh học lỏm kinh nghiệm cũng nhưng lấy mất công thức chế biến của nhà hàng. Rồi những lời hứa suông của sếp trên để Nhân cống hiến nhiều hơn cho công việc khiến Nhân chán nản. Ra trường, lại tiếp tục va chạm với những con người bạc bẽo, Nhân cảm thấy hụt hẫng và mất cảm hứng với nghề.
Một kỷ niệm đau đớn đến giờ Nhân vẫn còn nhớ. Khi ấy anh làm một bếp trưởng cho một nhà hàng lớn trong thành phố. Với vị trí của mình, Nhân luôn sáng tạo ra công thức chế biến món ăn riêng. Người chủ nhà hàng trước mặt đối xử rất tốt với Nhân, nhưng sau lưng lại điều khiển một thế lực để lấy công thức món ăn của anh làm tài liệu của nhà hàng. Cuối cùng, họ tạo áp lực khiến anh thôi việc.
Khoảng thời gian ấy, Võ Hoàng Nhân hoang mang và phân vân về con đường sự nghiệp của mình. Anh không biết rằng mình có thực sự tồn tại nổi trong nghề hay không. Nhưng rồi trong anh lại có một suy nghĩ khác, thôi thúc anh phải cố gắng hơn nữa, không được bỏ cuộc sớm như vậy. Không may lúc ấy, mẹ Nhân lại mắc bệnh. Nhân quyết phải làm gì đó để mẹ không phiền lòng. Anh muốn luôn là đứa con làm mẹ tự hào như từng khiến mẹ tự hào ngày trước. Nhìn lại quá trình vào nghề của mình, từ những cố gắng khổ cực vì mưu sinh, đến những nỗ lực cho đam mê trong suốt thời gian ấy, Nhân biết mình phải tự quay lại, không được đi xa quá trong suy nghĩ tiêu cực như thế.
Trong 14 năm làm bếp, Võ Hoàng Nhân đã trải qua nhiều vị trí, nhiều nhà hàng và tập đoàn lớn như: Đại Nam, Bia đỏ Công Nhân, Unilever, Metro, Bún ta, Việt An Đông Plaza... và công việc hiện tại là bếp trưởng nhà hàng Pho Bar ở Indonesia. Song song đó, Nhân cũng giành được nhiều giải thưởng cao quý về nghề như: Huy chương Vàng và Cúp Vàng đầu bếp tài năng 2011, Huy chương Bạc lễ hội ẩm thực chay 2010 và mới đây nhất là danh hiệu quán quân Đầu bếp Đỉnh.
Sau 4 lần giành giải Đầu bếp nhất tập, đến tập chung kết, Nhân tiếp tục xuất sắc vượt qua hai đầu bếp Cẩm Thiên Long và Trần Khắc Hoan, trở thành đầu bếp đầu tiên của Việt Nam ghi tên vào danh sách Top Chef trên thế giới.
Trận chung kết, các thi sinh phải nấu một bữa yến tiệc sang trọng (fine dining) gồm các món ăn Việt Nam, trong đó có sử dụng nguyên liệu trứng cá tầm. Võ Hoàng Nhân đã thực hiện thực đơn 4 món gồm: Salad trái cây Việt Nam, Gà nướng nhãn lồng, Cá basa hấp sữa, đậu nghiền và trứng cá tầm, Rau câu chân vịt, sốt xoài, sen đánh.
Xem thực đơn của Võ Hoàng Nhân
Say nghề bếp, Nhân luôn nuôi trong mình ước mơ mở một trường dạy ẩm thực Việt cho trẻ em cơ nhỡ, mồ côi. Anh mong muốn truyền tải hết những đam mê và kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ muốn học hỏi nghề bếp nhưng không có điều kiện để theo đuổi nghề này. Hiện tại, Nhân đang dành thời gian điều hành CLB Bếp trẻ - Hội Đầu Bếp Việt Nam để nuôi dưỡng và hun đúc ngọn lửa ẩm thực trong các bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi.
Kim Anh